Vô tướng tâm giải thoát là gì?

0
3685

Con thưa sư cô, mong sư cô giúp con giảng giải câu kinh này:

Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải thoát?

– Này Hiền giả, có hai duyên để chứng nhập vô tướng tâm giải thoát: không có tác ý nhất thiết tướng và tác ý vô tướng giới. Này Hiền giả, do hai duyên này mà chứng nhập vô tướng tâm giải thoát.

 – Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để an trú vô tướng tâm giải thoát? — Này Hiền giả, có ba duyên để an trú vô tướng tâm giải thoát: không tác ý nhất thiết tướng, tác ý vô tướng giới, và một sự sửa soạn trước. Này Hiền giả, do ba duyên này mà an trú vô tướng tâm giải thoát.

– Này Hiền giả, có bao nhiêu duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải thoát? — Này Hiền giả, có hai duyên để xuất khởi vô tướng tâm giải thoát: tác ý nhất thiết tướng và không tác ý vô tướng giới. Này Hiền giả, do hai duyên này mà xuất khởi vô tướng tâm giải thoát.

 -Này Hiền giả, vô lượng tâm giải thoát này, vô sở hữu tâm giải thoát này, không tâm giải thoát này và vô tướng tâm giải thoát này, những pháp này nghĩa sai biệt và danh sai biệt, hay nghĩa đồng nhất và danh sai biệt.

Chào em, sư cô hứa sẽ giải thích câu kinh em trích dẫn trong Kinh Đại Phương Quảng, kinh 43 trong Trung Bộ Kinh

Ba đoạn trên là chỉ rõ tiến trình Nhập- Trụ- Xuất Vô Tướng Tâm Giải Thoát.

Thế nào gọi là Vô Tướng Tâm Giải Thoát?

animittā cetovimuttī ti arahattaphalasamāpatti = Sự giải thoát vô tướng của tâm (vô tướng tâm-giải-thoát) là sự chứng đạt của qủa vị A-la-hán.

Vô Tướng Tâm Giải Thoát( Animittacetovimutti): gồm có Vipassanā+ 4 Thiền Vô Sắc+4 Đạo+ 4 Quả= 13 Pháp.

Các duyên Nhập- Trụ- Xuất Vô Tướng Tâm Giải Thoát

Muốn Nhập vào Vô Tướng Tâm giải thoát có hai duyên:

  1. Không tác ý nhất thiết tướng,tức là không tác ý tất cả tướng ( cụm từ này có thể hiểu là Phi như lý tác ý),
  2. Tác ý vô tướng, tức là Như lý tác ý

Muốn Trụ có 3: giống như nhập cộng thêm sự chuẩn bị trước

Muốn Xuất: thì làm ngược lại có 2:

  1. Không tác ý Vô Tướng
  2. Tác ý tất cả Tướng

Cũng tương tự như vậy, tâm câu hữu với Pháp giải thoát nào thì gọi là tâm giải thoát ấy

Tâm giải thoát (ceto-vimutti)

Là những trải nghiệm tâm (biểu hiện sự giải thoát) đạt được khi thành tựu các loại thiền (hoặc là thiền định hoặc là thiền quán

  • khi thực hành thiền quán về “tâm từ” thì kết quả khi đạt được là tâm từ biểu hiện sự giải thoát (mettācetovimutti). Dịch gọn là “Từ tâm giải thoát”
  • Khi thiền quán về “Tứ vô lượng tâm từ bi hỉ xả” thì kết quả đạt được sẽ là “Vô lượng tâm giải thoát” (Appamāṇā cetovimutti)
  • Khi thực hànhthiền quán về “tánh không” thì kết quả đạt được sẽ là – – “Không tâm giải thoát” (suññatā cetovimutti). 
  • Khi thực hành “định vô sỡ hữu xứ” thì kết quả sẽ là “Vô sở hữu tâm giải thoát” (ākiñcaññā cetovimutti).

Trong thời kỳ Đức Phật giảng dạy có nhiều Tâm Giải Thoát được đề cập trong kinh điển. Ví dụ:

Bất khổ bất lạc tâm giải thoát (adukkhamasukhāya cetovimuttiyā)
Đại hành tâm giải thoát (mahaggatā cetovimutti)
Từ tâm giải thoát (Mettā cetovimutti)
Bi tâm giải thoát (Karuṇā cetovimutti) 
Hỉ tâm giải thoát (Muditā cetovimutti) 
Xả tâm giải thoát (Upekkhā cetovimutti)
Vô Lượng Tâm giải thoát (Appamāṇā cetovimutti) gọi tắt cho tứ vô lượng tâm giải thoát
Không (Tâm) giải thoát (Suññatā cetovimutti)
Vô Sở Hữu tâm giải thoát (ākiñcaññā cetovimutti)
Vô Tướng tâm giải thoát (Animittā cetovimutti)
Bất Động tâm giải thoát (Akuppā cetovimutti)
Và rất nhiều loại tâm giải thoát khác nữa.

Các Tâm giải thoát được hiểu là những biến cố của tâm (events of mind) xảy ra trong tiến trình đi đến giải thoát. Riêng “Bất động tâm giải thoát” là trạng thái tối thượng, nghiã là tâm không còn tham, sân, si, nghĩa là tâm của sự hoàn toàn giác ngộ

Các bài kinh Nikaya có rất nhiều đoạn đề cập đến và giải thích về sự khác biệt tên gọi của các loại tâm giải thoát (vimutti). Ví dụ như kinh MN 043. MAHĀVEDALLASUTTAṂ, kinh MN 127 ANURUDDHASUTTA, kinh SN, thiên sáu xứ, chương VII, tương ưng tâm, kinh GODATTA

Kinh Godatta (SN 41.7) giải thích rất rõ em đọc thêm nhé:

Một thời Tôn giả Godatta trú ở Macchikàsanda, tại Ambàtavana.

Rồi gia chủ Citta đi đến Tôn giả Godatta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Godatta rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Godatta nói với gia chủ Citta đang ngồi một bên:

—Này Gia chủ, vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát, những pháp này là khác ngôn từ, hay đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ?

—Bạch Thượng tọa, có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này khác nghĩa, khác ngôn từ. Bạch Thượng tọa, cũng có pháp môn, theo pháp môn ấy, các pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ.

—Nhưng, này Gia chủ, pháp môn nào, theo pháp môn ấy, các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ?

—Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi … với tâm câu với hỷ … an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả; cũng vậy, phương thứ hai; cũng vậy, phương thứ ba; cũng vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô lượng tâm giải thoát.

Và bạch Thượng tọa, như thế nào là vô sở hữu tâm giải thoát? Ở đây, Tỷ-kheo vượt lên Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô sở hữu tâm giải thoát.

Và bạch Thượng tọa, thế nào là không tâm giải thoát? Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo đi đến rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống và suy tư: “Cái này là trống không tự ngã hay ngã sở hữu”. Bạch Thượng tọa, đây gọi là không tâm giải thoát.

Và bạch Thượng tọa, thế nào là vô tướng tâm giải thoát? Ở đây, bạch Thượng tọa, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú Vô tướng tâm định. Bạch Thượng tọa, đây gọi là vô tướng tâm giải thoát.

Ðây là pháp môn, bạch Thượng tọa, theo pháp môn ấy, các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ.

Và bạch Thượng tọa, pháp môn nào, theo pháp môn ấy, các pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?

Tham dục (ràga) làm sự đo lường, sân làm sự đo lường, si làm sự đo lường. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối các vô lượng tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si.

Tham dục, bạch Thượng tọa, là một chướng ngại, sân là một chướng ngại, si là một chướng ngại. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối với các vô sở hữu tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này được trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si.

Tham dục, bạch Thượng tọa, tác thành tướng, sân tác thành tướng, si tác thành tướng. Ðối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, chúng bị đoạn tận, bị cắt đứt tận gốc rễ, bị làm như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Bạch Thượng tọa, đối với các vô tướng tâm giải thoát, bất động tâm giải thoát được xem là tối thượng. Nhưng bất động tâm giải thoát này trống không, không có tham; trống không, không có sân; trống không, không có si.

Ðây là pháp môn, bạch Thượng tọa, do pháp môn ấy, các pháp này là đồng nghĩa chỉ khác ngôn từ.

Mong giải đáp được nghi vấn của em.  Chúc em an vui.

Sr Vĩ Nghiêm

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here