Trở về chăm sóc hải đảo tự thân

Đây là một bức thư của một bạn trẻ tâm sự về những khó khăn của mình và mong tìm ra phương pháp giải quyết những khổ đau trong lòng. Vườn thiền đã chia sẻ với bạn ấy và xin phép đăng lên trang web để bạn đọc cũng có thể tìm ra câu trả lời cho chính mình.

0
2911

Bạch sư thầy sư cô,

Năm nay con 26 tuổi. Từ nhỏ con sống với ông bà ngoại, ba mẹ con chỉ lui tới vào cuối tuần để đưa tiền cho ông bà con chăm con. Đến khi ông ngoại con mất con mới về ở hẳn với ba mẹ con, tính đến nay đã được 4 năm. Tuy nhiên trong thời gian này cũng mất hơn 1 năm con du học tại nước ngoài.

Con không biết giữa mẹ con và con là duyên nghiệp gì nhưng ở xa thì rất thương nhớ nhau, ở gần thế nào cũng đấu khẩu. Mẹ con rất thương con, ba con cũng vậy, ba mẹ con bán miếng đất để cho con đi du học, con tôn kính ba mẹ con bằng cả tấm lòng, và con hiểu mẹ con thương con nhiều lắm.

Nhưng điều khiến con mệt mỏi và đau khổ nhất là mẹ con không bao giờ hiểu con và luôn xem con như 1 đứa trẻ- một đứa trẻ hư hỏng

Bất cứ con làm gì cũng đều sai, phải làm theo ý mẹ, ăn gì làm gì cũng không được. Con biết bản tánh con ương bướng và không tránh khỏi những sân si, nhưng con đang rất muốn sửa đổi và từng bước tu tập, nhưng mẹ con đều cười khẩy xem con đang giả vờ, mỗi lần thấy con tụng kinh mẹ con đều không tin, khi con muốn giải thích những điều con không hài lòng mẹ con bảo con “tu cái gì mà tu, tu hú thì có”

Cái gì em con làm cũng đúng, nó đòi gì hay làm gì sai mẹ đều cho nó còn nhỏ và không trách mắng gì, dù nó đã 20 tuổi, nhưng con thì luôn sai, mẹ luôn coi con như “black sheep of the family”

Mẹ không bao giờ tin con có thể làm được những việc khác mà không có mẹ. Ngay cả việc con muốn xin mẹ cho con học thêm lên tiến sĩ, bằng chính sức lực của con chứ con không dám xin ba mẹ trợ giúp nữa, mẹ con cũng không quan tâm và cười khẩy mà thôi

Ngay cả trong chuyện tình cảm hay bất cứ điều gì, con đều không dám tâm sự cho mẹ nhiều, con có vướng mắc gì trong công việc cũng không dám nói, thay vì con chỉ mong muốn 1 câu an ủi “”không sao đâu con” như ông ngoại con vẫn thường an ủi con, thì mẹ lại nói “đáng đời”, hay “tự làm tự chịu”. Con đang yêu một người Mỹ và chúng con ở xa nhau và rất thương nhớ nhau, dù con có buồn và nhớ anh ấy, muốn tâm sự với mẹ để nguôi ngoai con cũng không dám, có lần con thử nói với mẹ con buồn thế nào, chỉ mong mẹ chia sẻ và ủng hộ chúng con, mẹ lại nói “ai bảo đường thẳng không đi, tự đâm đầu vào chỗ khó làm gì rồi lại ngồi than với vãn. Tự làm tự chịu”

Mẹ là mẹ của con, tuy rằng thời gian con thật sự sống bên mẹ tính ra chỉ 3 năm, nhưng mẹ là mẹ của con. Mẹ rất lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho con và khi con đau mẹ cũng rất lo lắng. Chỉ có điều con thèm khát sự ngọt ngào và thấu hiểu từ mẹ.

Con rất thương mẹ và khi nào cầu nguyện con cũng cầu nguyện cho mẹ mạnh khỏe, con biết con vẫn còn sân si chấp ngã, nhưng mẹ thương con theo 1 cách khác mà con không biết được, con chỉ mong mẹ con có thể nhìn con như em gái con vậy, rằng con cũng là một đứa biết hướng thiện và luôn thương quý mẹ. Con chi mong mẹ đừng xem con nói gì làm gì cũng xấu xa như thế, oan uổng cho con quá. Mẹ tức lên luôn nói con là “chó”, là “Khốn nạn”, con đâu phải là người kinh khủng như thế, những lúc như vậy con chỉ muốn đi theo ông ngoại con ngay.

Nhiều lúc con cảm thấy rất cô đơn trong chính gia đình của mình. Con lạc lõng và mất phương hướng, ở công ty bị ức hiếp nhưng về nhà cũng chẳng có ai để tâm sự, vì mẹ có nghe con nói đâu. Con là đứa khép kín nên con không có bạn bè gì cả, những đứa bạn thân giờ đều có chồng con và ở xa cả, chẳng ai có thời giờ nghe con nói.

Con rất nhớ ông ngoại con và nhiều lúc chỉ muốn đi theo ông thôi, Con biết tự sát là một tội rất lớn trong đạo Phật nhưng con rất mệt mỏi và đau khổ. Con không phải là người xấu , sao mẹ lúc nào cũng xem con là con cừu ghẻ của gia đình. Có phải việc con sinh ra trên đời này là một cái tội không

Con xin sư thầy sư cô giúp con, vì hiện tại con chẳng thấy vui thú gì trên cuộc đời này cả. Ngày nào cũng mâu thuẫn giữa mẹ con thế này con thấy con cô đơn vô cùng, bế tắc vô cùng.

Con cảm ơn sư thầy sư cô. A Di Đà Phật

Alpha

                                                                          Vườn thiền, ngày… tháng… năm…

Alpha  thương,

Khi đọc thư em chị rất xúc động, chị biết em là người nhạy cảm, có lẽ hai chị em mình cùng một tiếp người. Chị cảm thấy giữa chị và em có một nỗi đồng cảm lớn nên rất dễ dàng chia sẻ mọi điều.

Em thương, tình mẹ con là tình cảm cao quý, nhưng nó cũng cần được nuôi dưỡng em à. Mình đừng nghĩ rằng đó là một thứ tình thương không điều kiện, nó có điều kiện nhưng vì điều kiện qúa vi tế nên mình không thấy đó thôi. Mỗi người mẹ có một cách thương con khác nhau. Cách biểu hiện tình thương cho mỗi đứa con trong gia đình cũng khác nhau. Có đứa mẹ rất ngọt ngào dịu dàng chiều chuộng, nhưng có đứa mẹ lại nghiêm khắc. Nhưng tất cả đều là biểu hiện của tình thương yêu em à. Có lẽ thời gian em sống gần mẹ chỉ có 4 năm thôi, và em chưa thực sự sống trọn vẹn với gia đình trong thời gian đó vì phải đi học, đi làm, nên mình chưa có thời gian hiểu được mẹ, và mẹ cũng cần để hiểu em hơn. Em thấy không?Tình thương em dành cho ông ngoại nhiều hơn tình thương em dành cho mẹ.Bởi vì em sống với ông bà từ nhỏ, ông bà hiểu em nên thương em và làm em hạnh phúc.Khi em đủ thương và hiểu ông bà mình rồi thì dù ông bà có làm điều gì không vừa lòng, em cũng tự biện hộ cho điều đó. Em hãy để thời gian tưới tẩm hạt giống thương yêu ngọt ngào trong mẹ em nhé.

Chị nhận thấy rằng trong em có một mặc cảm lúc nào cũng không được thương yêu như em của mình.Bởi vì mình có nhu yếu được thương nên mình đang đòi tình thương như mình mong muốn, một thứ tình thương ngọt ngào, bảo bọc che chỡ, như bao nhiêu người mẹ khác dành cho các con. Nhưng em ơi, sự khổ đau không phải là do cách yêu thương của mẹ em đối với em khác với cách mẹ thương em gái em mà là do mặc cảm thua thiệt, do tâm so sánh tạo ra. Tâm ta lúc nào cũng không bằng lòng với những gì mình đang có cả. Mình không hạnh phúc với những điều mầu nhiệm xung quanh mà vũ trụ ban tặng. Em biết không? Ngoài kia còn nhiều mảnh đời khổ đau hơn mình, nhiều em bé không có cha có mẹ, các em bị cha mẹ hành hạ đối xử tệ bạc, không cho các em đến trường, bắt các em đi làm để kiếm tiền, bị đánh đập bị la mắng … Khi nhìn xuống những mảnh đời cơ cực đó thì tự nhiên mình thấy rằng mình có nhiều điều kiện hạnh phúc hơn phải không em? Em được học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm, có người để yêu thương, có sức khỏe, giỏi dang… còn nhiều điều tốt đẹp khác nữa, nên em hãy hạnh phúc với những gì em đang có đừng mong rằng mình phải được như cô em gái của mình. Em hãy chính là em, rồi thời gian mọi người sẽ hiểu và khám phá ra những đức tính tốt đẹp bên trong em.Em hãy biểu hiện những điểm ưu tú của mình mà không cầu mong một lời khen tặng hay sự quan tâm của ba mẹ hay gia đình. Chị rất thích câu: “be beautiful be yourself”. Đó là câu thần chú của chị, khi nào chị cảm thấy không bằng lòng, cảm thấy bị thua thiệt thì chị thường nhớ câu thần chú này và mỉm cười, tự nhiên chị đi qua được mặc cảm thua người, bằng người hay hơn người.

Alpha thương, em đang ở độ tuổi trưởng thành, có nhiều người nhầm lẫn rằng đến độ tuổi 20-30 phải là tuổi trưởng thành nhưng thực sự thì không phải vậy.Có người đã lớn tuổi nhưng tâm thức họ còn trẻ lắm chưa đủ độ chín chắn, họ có những suy nghĩ và hành xử như trẻ con. Sự trưởng thành thực sự là khả năng tự làm chủ chính mình trong mọi tình huống mọi cảm xúc, mình biết sống bình an trong mọi lúc mọi nơi. Đó mới là sự trưởng thành đích thực. Nếu em biết sống như thế thì tự nhiên mẹ em sẽ an tâm về em mà không còn xem em như một đứa trẻ nữa. Để làm được điều đó chị mời em thực tập những bài tập nho nhỏ sau để lấy lại chủ quyền cho chính mình. Em có thể để dành cho mình mỗi ngày khoảng 20 phút ngồi yên theo dõi hơi thở và thực tập theo bài hướng dẫn này:

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào (bụng phồng lên)

Thở ra tôi biết tôi đang thở ra (bụng xẹp xuống)

Theo dõi hơi thở một cách tự nhiên đừng ép hơi thở dài ra, mỗi bài thực tập thở từ 5-10 hơi thở rồi chuyển sang bài tiếp theo. Nếu thấy thích bài tập nào thì em có thể ở lại lâu hơn.

Thở vào quay về nương tựa    

Thở ra nơi hải đảo tự thân.

Hãy quán chiếu mình là một hải đảo, một hải đảo có hoa thơm trái ngọt, có dòng suối mát trong lành, có tiếng chim hót líu lo, những đàn bướm bay lượn… một hải đảo xinh đẹp đó chính là em là nơi mình trở về để nghỉ ngơi và trị liệu. Khi quán chiếu em nhớ vẫn theo dõi hơi thở đừng để những suy tưởng này kéo đi, mình phải làm chủ hơi thở và cả những ý niệm trên.

Thở vào chánh niệm là Bụt

Thở ra soi sáng xa gần

Bên trong em có một vị Bụt, vị Bụt ấy chính là hạt giống chánh niệm. Chánh niệm là những suy nghĩ chân chính đúng với chánh pháp, hợp với luân thường đạo lý, khi có chánh niệm thì sẽ có bình an.  Vị Bụt bên trong em sẽ nói cho em biết mình nên hành xử như thế nào, sẽ soi sáng cho em thấy mình đã có những lầm lỡ và giúp em tìm cách cải thiện hoàn cảnh xung quanh, đem lại hạnh phúc cho ta trong đời sống hàng ngày.

Thở vào hơi thở là pháp

Thở ra bảo hộ thân tâm

Hơi thở là pháp môn giúp em lắng dịu thân tâm, lấy lại chủ quyền của chính mình. Nó sẽ là vị Bồ tát bảo hộ cho em khỏi những bực bội khó chịu hàng ngày. Khi nào cảm thấy tâm không vui, nóng giận, buồn phiền, chán nản. Chính hơi thở là cái phao cứu lấy mình đó em. Chị đi qua được những cảm xúc mạnh, những nỗi oan ức cũng là nhờ hơi thở và bước chân. Nó giúp chị trở về được với hải đảo của tự thân để tiếp xúc với chính mình và những điều màu nhiệm xung quanh.

Thở vào năm uẩn là tăng

Thở ra phối hợp tinh cần

Năm uẩn là thân thể (sắc) cảm thọ (thọ) tri giác (tưởng) tâm hành (hành) và nhận thức (thức) tất cả đều nằm trong thân thể của mình, và luôn làm việc với nhau rất hòa hợp và cần mẫn. Nó là người bạn người tri kỷ lớn nhất. Trở về chăm sóc lấy những người bạn đó tức là chăm sóc thân tâm mình. Khi chăm sóc chính mình như vậy thì em không có nhu yếu đòi hỏi người ta thương yêu chăm sóc cho em nữa, bởi vì em có đủ tình thương dành cho bản thân rồi em à. Chỉ có mình mới biết cách thương mình đúng nhất, còn những tình thương bên ngoài thì khó làm cho ta bình an, hạnh phúc.

Thở vào là hoa

Thở ra tươi mát

Tiếp theo em thấy mình là bông hoa, một bông hoa xinh đẹp theo cách của em, nếu em là alpha thì bông hoa ấy là alpha chứ không phải là bông hoa beta. Đừng đòi hỏi là một bông hoa khác em nhé. Hãy mỉm cười và cảm thấy mình được tươi mát xinh đẹp như bông hoa ấy. Em có thể áp dụng nó bất cứ khi nào cảm thấy khó chịu muốn bực bội, hãy ngồi xuống là thở quán chiếu em là bông hoa thật tươi mát và mỉm cười, cơn giận của em sẽ từ từ lắng xuống

Thở vào là núi

Thở ra vững vàng

Hãy thấy em là núi, thấy được tính chất vững chãi trong mình, mạnh mẽ có chủ quyền, không bị những cái nhìn, ánh mắt hay lời nói của mọi người xung quanh làm em xáo động. Đức vững chãi này rất cần cho cuộc sống của mình em à. Nó sẽ giúp em bớt khổ đau khi nhìn, thấy hoặc nghe những điều bên ngoài làm em khốn đốn, buồn phiền. Hãy thấy mình là ngọn núi vững chãi và kiên cường trước mọi dông bão cuộc đời

Thở vào nước tĩnh

Thở ra lặng chiếu

Tiếp tục quán chiếu em là một hồ nước trong tĩnh lặng, yên lắng như một tấm gương và phản chiếu mọi thứ xung quanh, ta chỉ là mặt hồ tĩnh lặng chiếu mọi thứ đến rồi đi không lưu dấu. Những điều xảy đến với mình cũng như những đám mây bay qua bầu trời, mặt hồ chỉ in bóng mây trong chốc lát rồi thôi. Có mây cũng không làm cho mặt hồ vui mừng và khi mây bay đi thì mặt hồ cũng không buồn phiền.

Thở vào là không gian

Thở ra tôi thênh thang

Thấy mình là một không gian rộng lớn bao la, em không còn là một cái ta bé nhỏ, mình là tất cả mọi thứ, ôm ấp được tất cả mọi loài trong em. Trái tim em đã mở ra không biên giới. Em đủ không gian để ôm ấp chính mình, ôm ấp thương yêu ông bà ba mẹ, em gái, và bè bạn… Em cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản, thênh thang.

Thực tập như vậy em sẽ cảm thấy mình không còn cầu mong mẹ phải thương em như cách em muốn nữa, em không còn so sánh mặc cảm với em gái mình mà em đủ chủ quyền đủ bình an để nắm lấy hạnh phúc của đời mình. Hạnh phúc là tự chính mình đem lại chứ không ai ban tặng cho mình đâu em. Nếu em muốn học lên tiến sĩ bằng chính sức lực của mình thì em cứ đăng ký học, sau đó em sẽ thưa cho ba mẹ biết và em dành tiền lương để đóng học phí. Mình nói được thì làm được phải không em ? Đó là cách em sẽ chứng minh cho ba mẹ em thấy rằng em đã lớn và có thể làm chủ chính cuộc đời mình.

Khi em đủ bình an, vững chãi rồi em sẽ để ý quan tâm mẹ nhiều hơn, em nuôi dưỡng tình mẹ con theo cách em muốn, em sẽ được mẹ thấu hiểu. Cách quan tâm rất tế nhị nhưng sẽ làm mẹ vui và có cái nhìn khác về em, em không phải là đứa bướng bỉnh, em cũng ngọt ngào dễ thương và biết quan tâm đến mẹ. Chị thường làm với mẹ chị trước đây là mỗi khi nhận lương về chị đều để dành một ít tiền mua một món quà rất nhỏ tặng mẹ, có khi là cái áo thun, là đôi giày, có khi chỉ là một bó hoa thôi và viết vài câu dễ thương : « mẹ ơi, chiều nay nhận lương về người đầu tiên con nghĩ đến là mẹ, mẹ đã vất vả nuôi con khôn lớn, đóa hoa này tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình thương và lòng biết ơn con dành cho mẹ »… hoặc một ngày nghỉ nào đó em rủ em gái đến hỏi ba mẹ rằng : hôm nay ba mẹ thích ăn món gì các con sẽ đi chợ nấu cho ba mẹ dùng nhé. Mẹ phải thử tài nghệ các con gái của mẹ chứ… Đó là cách mình thay đổi cái nhìn của mẹ bằng những hành xử mới, nó có hiệu quả nhiều hơn là lời nói, sự buồn bực ương bướng của mình. Khi em đến với mẹ bằng sự tươi mát nhẹ nhàng ngọt ngào thì mẹ cũng sẽ tươi mát ngọt ngào với em. Những biểu hiện của mẹ chính là tấm gương phản chiếu nội tâm của em, nếu em đến với mẹ mà trong tâm có sự trách móc, sự không hài lòng… thì mẹ cũng sẽ có những biểu hiện tương tự, cả hai mẹ con chỉ tưới cho nhau sự buồn giận mà thôi. Thay vì thế em để thời gian lắng dịu thân tâm mình như bài tập chị nói trên rồi đến bên mẹ khi cảm thấy thoải mái nhất. Dần dần em sẽ có thể tâm sự với mẹ nhiều hơn.

Chị thấy em có khả năng viết, em nên viết những bức thư tình cho mẹ, mẹ đọc sẽ rất cảm động. Em tâm sự thật những niềm ao ước của em lúc bé, từ khi em ở với ông bà ngoại, em thèm có một người mẹ ngọt ngào nâng đỡ cho em khi em vấp ngã, nhưng em không may mắn có được điều đó. Từ nhỏ khi thấy các bạn hoặc em gái mình được sống gần ba mẹ được ba mẹ thương yêu chiều chuộng em cảm thấy tủi thân như thế nào v.v… em hãy tưới tẩm hạt giống thương yêu của em trong trái tim mẹ, em phải nói cho mẹ biết những điều thầm kín trong lòng một cách ái ngữ, tràn đầy tình thương. Em thương, chị cảm thấy mẹ rất thương em nhưng chưa có cơ hội để hiểu em. Nên những bức thư như thế là cơ hội để mẹ hiểu em nhiều hơn, và khi hiểu rồi thì mẹ sẽ biết cách thương, sẽ không làm con gái mình đau khổ. Chị chúc em thành công, có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Thương mến

 

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here