Siddhartha – Câu chuyện dòng sông,  câu chuyện đời người

0
8550

 

Dòng sông chính là hình ảnh ẩn dụ thiêng liêng về sự sống. Nhà văn không miêu tả nhiều những chi tiết thực của dòng sông mà chỉ viết về sự thức tỉnh của nhân vật khi lắng nghe tiếng của dòng sông. Điều đó càng khiến dòng sông trở nên thiêng liêng và thần thánh! Nó chính là cuộc sống, là chân lý vĩnh hằng!

Bối cảnh ra đời của Siddhartha

Với văn nghiệp của Hermann Hesse (1877 – 1962), văn hào Đức, tiểu thuyết Siddhartha (còn có bản dịch là “Câu chuyện dòng sông”) thường được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng nhất. Siddhartha được viết trong khoảng thời gian diễn ra thế chiến thứ nhất (1914 -1918), được xuất bản lần đầu tiên năm 1922 tại Đức. Trước khi sáng tác Siddhartha, Hermann Hesse đã có một thời gian dài ở Ấn Độ cùng cha mẹ (là những nhà truyền giáo). Bởi vậy, điều đó lý giải vì sao một nhà văn Đức như Hermann Hesse lại chọn mảnh đất phương Đông huyền bí để gieo những hạt mầm văn học của mình.

Mở đầu phần 1 của tiểu thuyết này, Hermann Hesse đã đề trang thư ngỏ gửi nhà văn Pháp Romain Rolland (1866 – 1944), người đoạt giải Nobel văn chương năm 1915. Nguyên văn thư ngỏ như sau:

“Thưa ông Romain Rolland quý mến! 

Từ mùa thu 1914, từ khi cả tôi cũng đột nhiên cảm thấy rõ rệt sự ngột ngạt vừa ập đến trong đời sống tinh thần và chúng ta đã đưa tay hoà giải từ những bờ bến lạ, bởi cùng tin tưởng vào những điều thiết yếu vượt khỏi phạm vi quốc gia dân tộc, tôi hằng ao ước được chứng tỏ với ông tấm lòng quý mến, cũng như để ông biết qua về việc làm và tâm tư của tôi.

Xin ông vui lòng nhận nơi đây lời đề tặng một phần quyển truyện mang triết lý Ấn Độ chưa hoàn thành của Hermann Hesse.”

“Sự ngột ngạt vừa ập đến trong đời sống tinh thần” mà Hermann Hesse nói đến chính là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuộc chiến tranh quyết liệt, quy mô to lớn nhất trong lịch sử nhân loại ấy đã cuốn cả châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Trung Hoa Thái Bình Dương vào cuộc với chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu, đặc biệt khốc liệt ở hai quốc gia Đức và Pháp. Tổng số người thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ nhất là trên 19 triệu. Sau chiến tranh, cả châu Âu bị tàn phá tan hoang. Nhưng sự tàn phá của chiến tranh về cơ sở vật chất không kinh khủng bằng sự tàn phá của nó lên tinh thần con người. Chiến tranh đã khiến cho con người trở nên kinh hãi cuộc đời, hoang mang cùng cực trước tất thảy, không biết phải làm gì. Niềm tin đổ vỡ đẩy con người vào bi kịch sống mà không có bất cứ chỗ dựa tinh thần nào. Sau những năm tháng huy hoàng của châu Âu những năm đầu thế kỷ XX với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, những tư liệu sản xuất tiến bộ thúc đẩy quan hệ sản xuất lên bước mới, tạo ra của cải vật chất nhiều hơn quan hệ sản xuất cũ gấp bội phần. Sự dư thừa về của cải vật chất khiến con người yên chí rằng khoa học kỹ thuật là cứu cánh cho cuộc sống, đưa con người đến bến bờ hạnh phúc. Nhưng sau chiến tranh, tâm lý con người trở nên tuyệt vọng, mất niềm tin. Chiến tranh đã khiến nhiều thế hệ sau đó bị tổn thương tâm lý sâu sắc.

Nhà văn Romain Rolland đã kịch liệt lên án cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất ngay từ những ngày đầu tiên, và nhà văn Hermann Hese, người tha thiết với hoà bình nhân loại đã tìm thấy trong tư tưởng phản chiến của Romain Rolland sự đồng cảm lớn. Khác với mối thù quân sự Đức – Pháp, hai nhà văn lớn thuộc  hai quốc gia này đã cùng gặp nhau trong chủ nghĩa hoà bình. Chính bởi vậy, khi hoàn thành một phần cuốn tiểu thuyết Siddhartha, Hermann Hesse đã trân trọng đề tặng Romain Rolland như trên để “chứng tỏ với ông tấm lòng quý mến, cũng như để ông biết qua về việc làm và tâm tư của tôi”.

Tâm tư của Hermann Hesse thể hiện trong Siddhartha là niềm mong ước cháy bỏng về việc con người hãy cố gắng tối đa để hiểu được bản chất cuộc sống này, để cảm nhận và trân trọng từng khoảnh khắc cuộc sống kỳ diệu; để biết vượt lên những tầm thường, buồn nản, xấu xa của cuộc đời dẫn đến tự siêu việt chính mình… Đặt trong bối cảnh hoang mang, rời rã của châu Âu những năm vừa trải qua thế chiến thứ nhất, tư tưởng ấy như dòng nước mát lành, xoa dịu những vết thương lòng, neo con người lại với niềm tin vào chính bản thân mình!

Hành trình đi tìm bản thể và ý nghĩa cuộc đời

Câu chuyện được kể trong Siddhartha được tóm tắt thế này:

Siddhartha  là con trai của một gia đình Bà La Môn danh giá, nhưng sớm mất lòng tin vào những lời cầu nguyện và cách sống cứng nhắc của lối sống Ấn Độ giáo. Anh bỏ nhà, trở thành sa môn cùng với Govinda, người bạn rất thân để đi tìm bản thể, ý nghĩa đích thực của cuộc đời.  Sau đó, Govinda tham gia vào tăng đoàn của Phật nhưng Siddhartha tự tin rằng chỉ có kinh nghiệm bản thân chứ không có lời dạy bên ngoài nào có thể dẫn tới kiến thức thật sự và sự khai sáng. Vào thời điểm này, Siddhartha quyết định “tự đi tìm chính mình” và nhập vào lại thế giới trần tục. Về với thế giới đó, anh có mặt ở khắp nơi, làm những việc nhiều đàn ông đều làm: bắt nhân tình với cô kỹ nữ Kamala xinh đẹp để học ái tình, làm thuê cho một hiệu buôn để kiếm tiền, đắm chìm trong cuộc sống cờ bạc và những mối tham lam. Cuối cùng, phiền não và mệt mỏi với cuộc đời trống rỗng với những trò chơi không đâu vào đâu, anh ta quyết định rời xa thành phố đó mãi mãi.

Bối rối và tuyệt vọng, Siddhartha đến bên một dòng sông và toan nhảy xuống trầm mình tự vẫn. Bỗng nhiên anh nghe dòng sông thì thầm âm thanh “Om,” chính là biểu tượng Dharma về sự thống nhất của mọi thứ trong vũ trụ này. Những người thật sự hiểu được ý nghĩa của âm thanh này là những người đã khai sáng. Tất cả những ý nghĩ muốn tự tử đều biến mất.

Sau một giấc ngủ dài hồi phục lại cả về thể xác lẫn tâm linh, Siddhartha gặp lại lần thứ hai người lái đò đã khai sáng cho anh ngày nào tên là Vasudeva và quyết định ở lại với ông ta. Cả hai làm việc cùng nhau như là những người đưa đò và sống trong bình yên và an phận. Cùng nhau, họ lắng nghe âm thanh vô tận của dòng sông và thấy được những nhiệm màu cuộc sống từ dòng sông luôn kiên nhẫn, dịu dàng, bao dung và mới mẻ.

Trong khi đó, Kamala đã hạ sinh con trai của Siddhartha mà ông ta không hề hay biết. Khi bà cùng con trai trong một cuộc hành hương đến viếng Phật đang hấp hối, Kamala bị rắn độc cắn gần bờ sông. Vasudeva tìm thấy bà và đem bà về ngôi nhà nhỏ mà ông đang sống chung với Siddhartha. Trước khi qua đời, bà nói với Siddhartha cậu bé là con trai của ông. Siddhartha chăm sóc cậu bé đã được nuông chiều quá mức và cố gắng dạy cho cậu thưởng thức cuộc sống giản dị. Ông đã không thành công, cậu bé bỏ đi, quay trở lại thành phố. Siddhartha, lo lắng, bỏ đi tìm cậu ta. Vasudeva khuyên Siddhartha phải để mặc cho cậu ta trải qua những đau khổ riêng của cậu—cũng như ngày xưa cha của Siddhartha đã để cho ông bỏ nhà ra đi. Bấy giờ Siddhartha đã thật sự được khai sáng. Nhận ra điều này, Vasudeva đi vào rừng và qua đời trong bình an. Người bạn đồng hành thời trai trẻ của Siddhartha, Govinda, đi ngang qua dòng sông, vẫn còn là một nhà sư Phật giáo và vẫn còn đang đi tìm sự khai sáng. Khi ông hỏi những lời dạy nào đã đem lại Siddhartha sự bình an, Siddhartha trả lời rằng đi tìm quá ráng sức có thể cản trở việc tìm ra chân lý, rằng thời gian chỉ là ảo giác, và tất cả mọi thứ đều là một, và tình thương tất cả mọi thứ trên thế gian này là điều quan trọng nhất.

Nhân vật chính trong truyện mang tên Siddhartha, cái tên của Đức Phật thời còn tại thế. Tuy nhiên nhân vật Siddhartha trong truyện không phải là Đức Phật, tuy rằng gia thế, xuất thân của anh tương tự như gia thế của Đức Phật trước khi xuất gia. Siddhartha cũng như nhiều nhân vật của Hermann Hesse, bắt đầu xuất hiện trong truyện là bắt đầu một hành trình. Đó là một hành trình dài và vô cùng nhọc nhằn để đi tìm bản thể của mình.

Siddhartha đã có một cuộc sống ấm êm định sẵn: là “con trai khôi ngô của một người Bà La Môn, lớn lên dưới mái gia đình êm ấm” (tr 11). Anh là niềm tự hào của gia đình, niềm ao ước của các cô gái xinh đẹp và cao quý nhất bởi sự mẫn tiệp, khát khao hiểu biết và vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú của mình. Tuy nhiên, chính anh lại không hài lòng với cuộc sống của mình: “anh bắt đầu cảm thấy tình thương của cha, tình yêu của mẹ lẫn tấm lòng quý mến của bạn anh, Govinda, không phải lúc nào, và hẳn chẳng thể làm anh sung sướng và mãn nguyện mãi được” (tr 15). Điều làm Siddhartha trăn trở là câu hỏi lớn về bản ngã. Anh hoang mang không biết “tìm linh hồn ở nơi đâu? Nó ở chỗ nào, trái tim vĩnh cửu của nó đập chốn nào, còn đâu khác nếu không phải trong tự ngã của ta, trong thâm sâu, trong sự bất diệt mà ai cũng có” (tr 16). Khi không khám phá ra con đường để đi đến chính bản ngã của mình, thì cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa, con người chỉ nắm bắt được những thứ hời hợt trên bề mặt. Sắc đẹp, địa vị, của cải, sự kính trọng của người đời đều không làm Siddhartha mảy may xúc động. Anh quyết tâm phải đi tìm bản thể.

Hành trình đi tìm bản thể của Siddhartha đầy nhọc nhằn, khổ ải và vấp phải không ít những sai lầm. Thoạt đầu anh làm sa môn, tu theo trường  phái khổ hạnh, nhưng càng tu càng nhận thấy điều ấy không giúp ích gì được cho mình. Đến khi gặp được Đức Phật, được người thuyết pháp, Siddhartha vẫn không thấy mình bị thuyết phục trong khi bạn anh, Govinda, đã nhanh chóng quy y theo Đức Thế Tôn vì đã tìm thấy con đường đi của bản thân. Chia tay người bạn thân thiết nhất, một mình Siddhartha cô độc trên con đường đi tìm bản thể. Anh ngẫm ngợi và chợt nhận ra điều quan trọng: bản thể của mỗi người không nằm ở đâu khác ngoài chính bản thân. 
Chân lý mà anh vừa giác ngộ đã khiến anh tỉnh thức. Hóa ra mỗi cá nhân là một vũ trụ riêng biệt chứa đầy bí mật, không giống với bất cứ cá nhân nào khác trên mặt đất này. Cuộc đời mỗi cá nhân đẹp đẽ hay bất hạnh, đều không phụ thuộc vào ai khác, mà chỉ phụ thuộc vào chính bản thân mình: “Ý nghĩa và bản chất không ẩn nấp đâu đó đằng sau sự sự vật, chúng ở trong sự vật, trong mọi sự vật” (tr.66).

Nhưng cũng chính lúc bàng hoàng tỉnh thức, là lúc Siddhartha nhận ra sự cô đơn đến cùng cực của mình. Nếu mỗi cá nhân là một vũ trụ, thì thuộc tính của cá nhân là cô đơn. Anh sẽ không đứng chung hàng ngũ với bất kỳ ai nữa, không thuộc về bất cứ một tập hợp nào. Siddhartha sẽ chỉ là Siddhartha mà thôi: “Trước đây anh vẫn là con trai của cha anh, vẫn là người Bà La Môn, vẫn thuộc tầng lớp trên, vẫn là một tu sỹ, kể cả lúc anh nhập định hết mức. Còn bây giờ anh chỉ là Siddhartha, kẻ thức tỉnh, ngoài ra không là gì nữa (…) Không ai cô đơn như anh” (tr 68). Kẻ cô đơn ấy bước những bước đầu tiên trong cuộc sống mới đã được thức tỉnh. Anh không còn là sa môn và tự nhủ phải nếm trải tất thảy những sắc màu cuộc sống luôn luôn biến đổi để làm giàu trải nghiệm của mình. Thế giới hiện lên trong mắt anh như lần đầu tiên được tạo ra, với đầy đủ mọi vẻ đẹp đáng kinh ngạc của mình. Anh hối hả sống, hối hả thưởng thức mọi dạng thức của cuộc đời, kể từ việc học ái tình ở một cô gái điếm xinh đẹp đến việc học kiếm tiền ở một nhà buôn nổi tiếng, học bài bạc ở đám người tục lụy. Khi có tất thảy trong tay rồi anh lại đâm chán ghét và kinh hãi tất thảy; lại thấy cuộc đời trở nên trống rỗng và vô nghĩa: “Anh đã lún quá sâu vào vòng tục lụy, thấm đẫm nhơ nhuốc và chết từ mọi phía… Thế gian không còn gì có thể lôi cuốn anh , khiến anh vui, an ủi anh được nữa” (tr 129). Chính vì thế mà anh quyết định trầm mình trên một dòng sông.  Nhưng âm thanh thầm thì của dòng sông đã giữ anh lại với đời. Anh một lần nữa thức tỉnh để nhận ra chỉ có buông tay, chấm dứt tất cả mọi sự căm ghét ngu ngốc, mọi tham lam danh lợi, mọi toan tính tầm thường, trở về thanh sạch như trẻ thơ, là con người đến được với “ngã” ở trong lòng.

Lần thức tỉnh thứ hai của Siddhartha bên dòng sông vô cùng quan trọng. Nếu lần thức tỉnh trước giúp anh nhận ra: kiến thức có thể học được từ vô vàn giáo lý, nhưng sự thông thái chỉ đến từ kinh nghiệm, từ trải nghiệm của chính bản thân; thì lần thức tỉnh này đã giúp anh biết buông tay. Khi con người biết buông tay là khi người ta đã thấu hiểu bản chất cuộc đời. Tất cả mọi thứ, kể cả bản thân mỗi cá nhân cũng chỉ là giả tạm. Rồi cái chết sẽ đến và mang mọi người đi. Sự vĩnh cửu trong tâm hồn mới là đáng nói. Sự vĩnh cửu ấy là biết sống thanh thản và yêu thương tất cả vô điều kiện. Siddhartha đã tìm được bản thể của mình, dẫu cho anh có phải trả giá bằng gần cả cuộc đời với đủ mọi cung bậc đắng cay, hạnh phúc.

Giống như nhiều nhân vật khác của Hermann Hesse, anh chàng Siddhartha cũng được đặt trong một hành trình dài, nhọc nhằn đi tìm bản thể của mình. Mỗi bước đường đời là một vỡ lẽ. Trải qua rất nhiều ngộ nhận, rất nhiều lần trả giá đắt, con người cũng đến được với chân lý giản dị: trở lại sự trong trẻo thơ trẻ là đến được với bản thể thanh sạch nhất. Cốt lõi của cuộc sống này là biết yêu thương. Chỉ tình yêu thương vô điều kiện mới mang lại hạnh phúc và ý nghĩa đích thực cho con người. Mọi tranh giành, âm mưu, toan tính đều là vô nghĩa trước sự vĩnh hằng của thời gian và sự hữu hạn của đời người.

Có thể nhận thấy triết lý Phật giáo rất đậm trong tiểu thuyết Siddhartha, nhưng Hermann Hesse viết tác phẩm này không nhằm mục đích truyền giáo. Ông đã tìm thấy cái căn cốt tốt lành, đẹp đẽ của tư tưởng phương Đông để chống lại những bạo tàn, đau đớn trong xã hội phương Tây đương thời. Trong lúc con người chia bè nhóm để đánh nhau, đẩy nhau và những cuộc chiến tàn khốc liên miên, tiêu diệt lẫn nhau không ghê tay, thì Hermann Hesse nhận ra điều quan trọng: những tranh giành, bắn giết đó thực sự là vô nghĩa, không giúp ích gì cho cuộc sống con người. Chỉ khi nào con người biết buông tay, biết từ bỏ mọi thứ để sống không thù hận, không ganh ghét, không toan tính; chỉ khi nào con người biết kiên nhẫn lắng nghe và yêu thương hết thảy bằng một tình yêu vô điều kiện, thì cuộc sống mới có ý nghĩa và hạnh phúc thực sự tìm về. Tư tưởng đó xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Hermann Hesse, đưa ông đến với giải thưởng Nobel danh giá năm 1946.

Dòng sông, một ẩn dụ về chân lý cuộc đời

Trong các tác phẩm của Hermann Hesse, hình ảnh dòng sông, dòng nước thường xuất hiện với ý nghĩa ẩn dụ bên cạnh nghĩa thực của nó. Các nhân vật của ông thường soi mình vào sông để tự vấn, để nghiền ngẫm và gột rửa chính mình, tìm ra chân lý. Dòng sông trong văn chương của Hermann Hesse cũng mang đậm ảnh hưởng của tư tưởng Ấn Độ giáo. Với người Ấn Độ, dòng sông bao giờ cũng mang ý nghĩa tối linh, đặc biệt là con sông Hằng vĩ đại. Bắt nguồn từ dãy núi Hymalaya, dãy núi được mệnh danh là “Nơi ở của thần linh”, dòng sông Hằng dài 2510 km chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và chảy vào vịnh Bengal. Lưu vực của dòng sông huyền thoại này rộng tới 907.000 km², một trong những khu vực phì nhiêu và có mật độ dân cao nhất thế giới. Cũng chính bởi vậy, dòng sông Hằng cùng với sông Ấn được ví như hai dòng sữa tươi mát nuôi dưỡng phần lục địa Ấn Độ. Những nơi con sông và các chi lưu của nó chảy qua, sự sống được hình thành, phát triển. Trong tâm thức của mọi người dân Ấn Độ, sông Hằng không đơn thuần là một dòng sông. Nó là một vị thần thiêng liêng và cao cả. Người Ấn Độ có một niềm tin bất diệt rằng ai tắm trên dòng sông Hằng sẽ được dòng nước thiêng của sông Hằng gột rửa hết mọi tội lỗi, và người đó sẽ thoát khỏi vòng luân hồi khổ ải để vĩnh viễn được lên thiên đường. Sông Hằng tượng trưng cho những gì vĩ đại nhất, đẹp đẽ nhất, thần thánh và thiêng liêng nhất. Dòng sông trong tiểu thuyết Siddhartha cũng mang dáng dấp của dòng sông Hằng thần thánh đó. Nó thiêng liêng và cao quý vô ngần. Nó dạy cho con người biết cách lắng nghe. Nó dạy cho con người biết buông tay trước vô vàn tham lam, cám dỗ. Nó dạy cho con người biết cảm nhận muôn vàn vẻ đẹp đáng yêu của cuộc sống này. Dòng sông luôn luôn ở đó, nhưng lại luôn luôn vận động và mới mẻ. Trên dòng sông không thấy có thời gian, không có quá khứ, chỉ có hiện tại đang vận động. Cho nên, với những kẻ tầm thường, dòng sông chỉ là chướng ngại vật trên đường đi của họ. Với những người đã được khai sáng như Siddhartha, dòng sông chính là điểm dừng chân cuối cùng để cùng sống, cùng buồn vui với nó. Soi vào dòng sông sẽ thấy được mọi mặt cuộc sống. Rất nhiều nhân – vật – tỉnh – thức trong tiểu thuyết Siddhartha nói riêng và của nhà văn Hermann Hesse nói chung đều được tỉnh thức bởi dòng sông, bên dòng sông.

Trong tiểu thuyết này, các nhân vật chính lần lượt học được những điều quan trọng nhất của cuộc sống từ dòng sông. Riêng Siddhartha có hai lần đến với sông. Lần thứ nhất, anh qua sông bằng tâm trạng vui vẻ của người vừa tỉnh thức, vừa nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống. Nhưng anh chưa có chút gì trải nghiệm. Anh nhìn dòng sông bằng con mắt bên ngoài, dẫu có thấy vẻ đẹp “lấp lánh ánh mai hồng” của nó thì vẫn là cái đẹp hững hờ bề ngoài. Người lái đò lâu năm bên sông thổ lộ: “Người ta có thể học hỏi được nhiều điều từ một dòng sông” thì Siddhartha vẫn thản nhiên cất bước. Anh chưa “học” được gì từ dòng sông ấy. Lần thứ hai, sau khi chán chường tất cả mọi thứ, tuyệt vọng đến rã rời bởi cuộc đời nhàm chán và mòn mỏi, lo sợ về cái chết sẽ cận kề nay mai, anh ra đi và lại dừng chân bên dòng sông ấy. Trong giây phút buông xuôi nhất “lòng anh đầy chán chường, đầy khốn khổ, đầy chết chóc. Thế gian không còn gì có thể lôi cuốn anh, khiến anh vui và an ủi anh được nữa” (tr 129), nghe tiếng dòng sông, bỗng nhiên anh bừng tỉnh “nhận ra được mình trong khổ đau và lầm lạc”; nhận ra “thế giới hình tướng là giả tạm (…) điều giả tạm thay đổi nhanh chóng”. Chỗ đứng tự do nhất của con người trong cuộc đời chính là thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc danh lợi thấp hèn: “Lạc thú thế gian và của cải chẳng phải là điều tốt lành” (tr 145). Kamala – người tình của Siddhartha cũng tìm đến dòng sông, yên nghỉ cạnh dòng sông sau khi ngộ ra rất nhiều chân lý. Ông lão lái đò già, ân nhân của Siddhartha hay Govinda, bạn thân của Siddhartha cũng đều gắn bó với dòng sông trong những phút giây có ý nghĩa nhất, trọng đại nhất của cuộc đời. Dòng sông chính là hình ảnh ẩn dụ thiêng liêng về sự sống. Nhà văn không miêu tả nhiều những chi tiết thực của dòng sông mà chỉ viết về sự thức tỉnh của nhân vật khi lắng nghe tiếng của dòng sông. Điều đó càng khiến dòng sông trở nên thiêng liêng và thần thánh! Nó chính là cuộc sống, là chân lý vĩnh hằng!

Bởi vậy, ở nhiều bản dịch, tiểu thuyết Siddhartha được lấy tên là “Câu chuyện dòng sông”. Câu chuyện dòng sông chính là câu chuyện đi tìm chân lý, đi tìm bản thể, tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống này!

Trich nguồn từ Văn thơ nhạc :

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here