Nhận diện tâm thức

0
4626

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, cuộc đời vốn dĩ vô thường lên xuống, ta cứ trôi lăn theo dòng tâm thức vọng niệm. Các ý niệm tràn về như một trận cuồng phong, cuốn ta vào xứ sở chơi vơi, mịt mù của vọng thức. Cho dù năng lượng chánh niệm tỉnh giác (cái biết tròn đầy) vẫn luôn có đó, hiền từ mỉm cười với ta nhưng nó quá yếu ớt để ta nhận ra, ta lạc mất chính mình trong sương khói mờ ảo của ý niệm, của phân biệt đúng sai.

Tuy nhiên sau những trận bão tố ấy ta vẫn có những khoảnh khắc trong sáng, tĩnh lặng, hiện hữu hiển bày ra trước mắt. Tâm ta không quá vui mừng bồi hồi xao xuyến như người mới biết yêu khi gặp lại chính mình, mà chỉ im lặng ngắm nhìn trân trọng với ánh mắt của một người từng trải.

Ta thấy rõ tâm ta dễ dàng vướng mắc vào bất cứ thứ gì ta thấy, nghe, nếm, ngửi… vừa thấy đối tượng là nó bám theo tỉ tê to nhỏ đủ điều nào hay dở tốt xấu. Trò hí luận, phân biệt của tâm thức tinh quái vô cùng, nó biến ảo dưới muôn hình vạn trạng để lừa bịp ta. Có lẽ trong cuộc đời không có kẻ lừa bịp nào tài ba hơn tâm thức của mình. Nó dùng mọi mánh khóe len lỏi vào những vùng sâu thẳm đen tối nhất tâm hồn, rồi sinh sôi nẩy nở trong ấy cho đến khi hiện hành, lúc đó ta mới nhận ra nó. Một hành giả chân chính là phải nhận diện sự sinh khởi của mọi tâm thức, nhìn và biết nó sinh khởi thấy rõ tiến trình thành trụ hoại không của tâm, chứng nghiệm được sự vô thường, nó chỉ là một dòng biến dịch không ngừng nghỉ, thấy và biết như chúng đang là, không chạy theo để sinh tâm phân biệt đúng sai tốt xấu… Muốn sống được với năng lượng chánh niệm đó trong từng sát na tâm, theo dõi được một tiến trình tâm như thế, ta cần phải có định lực dồi dào, thực tập miên mật luôn quán sát tâm trong mọi lúc mọi nơi, lúc đó ta có sát na định, một định lực hùng hậu để quán sát mọi chuyển biến với cái nhìn trầm tĩnh, ta là một mặt hồ tĩnh lặng phản chiếu mọi sự đến đi, để hiểu được tự tánh không, vô thường, vô ngã của vạn vật, của tất cả hiện tượng bên trong lẫn bên ngoài. Sống được như thế ta an trú trong chánh niệm tỉnh giác, là ta đang sống với vị Bụt của chính mình, hãy làm sống lại vị Bụt của tự thân bằng năng lượng chánh niệm tỉnh giác trong mỗi phút giây, ta sẽ gặp được Đức Thế Tôn, vị cha lành hiền từ luôn ngày đêm bên ta mà ta vô tình quên lãng.

Tu tập như một trò chơi cút bắt của tâm thức. Ta cứ chạy đuổi theo cái bóng bên ngoài để tìm cầu một chân lý, một hạnh phúc hư ảo, càng đuổi bắt thì tâm ta lại càng lẫn tránh, trốn  chạy.  Chỉ khi nào ta thật sự đứng yên thì ta và cái bóng mới dừng lại. Lúc đó ta có thể quỳ xuống mà chạm được cái bóng của chính mình. Một lần nữa ta lại để vọng thức thầm thì và nhận lầm cái bóng ấy chính là ta. Một lần nữa hành giả hãy tỉnh táo mà nhận diện thấy rõ đó chỉ là cái bóng, mỉm cười rồi buông, không chấp vào nó. Khi còn chấp thủ vào 5 uẩn thì ta còn khổ đau. Bản chất của năm uẩn là trung tính, không phải năm uẩn là khổ, cái khổ chỉ có mặt khi ta chấp vào năm uẩn này là mình. Trong kinh Người biết sống một mình, đức Thế Tôn dạy rằng:”Khi một người không học, không biết gì về Phật, Pháp Tăng họ cho rằng hình thể (sắc) này là mình, cảm thọ (thọ) này là mình, tri giác (tưởng)  này là mình, tâm tư (hành) này là mình, nhận thức (thức) này là mình thì người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại”. Đó là nguồn gốc của trôi lăn trong sinh tử luân hồi, là cách sống thiếu tuệ giác. Thiền là sống với tuệ giác vẫn biết có hình thể (sắc), thọ tưởng hành thức đang tồn tại nhưng không cho rằng chúng là mình, và không bị cuốn theo hiện tại, đó là sự sống đích thực của một người có trí tuệ. Những điều này đức Thế Tôn dạy rõ trong kinh người biết sống một mình:

“Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại…”

An trú trong hiện tại nhưng ta có thể bị lôi cuốn vào hiện tại và vẫn khổ đau như thường là do chấp vào năm uẩn này là mình. An trú trong hiện tại tức là mỗi khoảnh khắc ngay bây giờ và ở đây, ta luôn sống với chánh niệm tỉnh giác và nhận diện năm uẩn này chỉ là một dòng lưu chuyển biến dịch không dừng và ta là người quán sát mọi sự sinh diệt của nó, không để dòng tâm thức cuốn ta đi. Đó mới là an trú trong hiện tại. Sống như thế là ta đang sống với Đức Phật, vị Mâu Ni, con người tĩnh lặng.

Hiện pháp lạc trú là nếp sống thiền, là quê nhà của các thiền giả, ta không để cho vọng thức phân biệt đánh lừa mà lúc nào cũng dùng ngọn đèn chánh niệm soi rọi vào mọi ngõ ngách của tâm. Thấy rõ bộ mặt thật của chính mình mà nhẹ nhàng vượt qua mọi khổ đau ách nạn. Lúc đó ta có thể “đứng yên trên sóng sạch trần ai”. Chúng ta hãy cùng  nhau tinh tiến để có đủ niệm định tuệ mà vượt sóng sinh tử hạnh phúc an lạc trong Niết Bàn hiện tiền.

 

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here