KHAI KINH
Pháp vi diệu rất sâu vô lượng
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được xin trì tụng
Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

KINH BÁT CHÁNH ĐẠO
Kính lạy Đấng Chánh Giác
Như vầy con đã nghe
Tại Lộc Uyển rừng xanh
Sau khi vừa chứng ngộ
 
Thế Tôn đến tận chỗ
Hóa độ rất tận tình
Cho nhóm Kiều Trần Như
Đều thành A la hán
 
Sau khi khuyên năm vị
Khéo giữ ý trung dung
Phật dạy lẽ tột cùng
Bài kinh Tứ Diệu Đế
 
Ai hiểu đời là Khổ
Tức là đã hiểu rằng
Có một cõi Niết Bàn
Vượt ra ngoài sinh tử
 
Ai hiểu đời là khổ
Tức là phải hiểu rằng
Khổ phải có nguyên nhân
Bởi Vô minh Ngã chấp
 
Ai tin có Giải thoát
Tức là phải tin rằng
Phải có một con đường
Đi về nơi cao thượng
 
Kính lạy Đấng Chánh Giác
Muôn đời con tôn thờ
Đường Bát Chánh bao la
Dẫn về nơi Giác ngộ.
 
Thứ nhất là Chánh Kiến
Là hiểu được đường đi
Của Nhân Quả chi li
Từ đời này đời khác
 
Nghiệp một lần gây tạo
Thành quả báo về sau
Chẳng biết lâu hay mau
Nhưng không hề nhầm lẫn
 
Rồi tột cùng Giác ngộ
Là Vô ngã hoàn toàn
Thành tuyệt đối vị tha
Từ bi và Trí tuệ
 
Vô số điều đạo lý
Khắp pháp giới bao la
Càng lúc càng hiểu ra
Theo tháng ngày tu tập.

Chánh Tư Duy kế tiếp
Là xây dựng tâm hồn
Thành đạo đức hiền lương
Theo từng lần tác ý
 
Khi khởi tâm bất thiện
Là quyết chí diệt trừ
Biết hối hận ăn năn
Biết canh phòng lần khác
 
Khi đối duyên tiếp cảnh
Luôn tác ý thiện lành
Tự nhắc chẳng có ta
Để mà tham mà giận
 
Thường tự răn tự nhắc
Phải biết sống vị tha
Luôn cung kính ái hòa
Không khoe khoang kiêu mạn
 
Thường khởi tâm tôn kính
Mười Phương Phật Pháp Tăng
Như ngưỡng vọng cao sơn
Còn mình như bụi rác
 
Thường khởi tâm ban rải
Từ bi khắp nơi nơi
Địa ngục hay cõi trời
Cả cỏ cây vạn loại
 
Tự nhắc mình tránh khỏi
Những ô nhiễm thấp hèn
Giữ giới hạnh sạch trong
Theo gương bao bậc Thánh
 
Càng ngày càng tinh tế
Kiểm soát tâm ý mình
Phát hiện những niệm sai
Nhỏ như là sợi tóc.
 
Thứ ba là Chánh Ngữ
Là làm chủ từng lời
Để rơi vào lòng người
Toàn những điều cao đẹp
 
Chẳng có gì tốn kém
Chẳng vất vả công lao
Nhưng tội phước rất nhiều
Mỗi khi lên tiếng nói
 
Đừng chê bai bừa bãi
Kẻo xúc phạm bậc hiền
Nhiều kiếp tổn phước duyên
Có khi sinh cầm thú
 
Cố gắng khen người tốt
Khen cho người khác nghe
Để mọi người phát tâm
Rồi hướng theo điều thiện
 
Luôn ngợi ca Phật Pháp
Kiên nhẫn độ từng người
Về với bóng từ bi
Để rời xa đau khổ
 
Hay nói về Nhân Quả
Về nhiều kiếp luân hồi
Cho người biết tin sâu
Mà làm lành lánh dữ
 
Không nói điều dơ bẩn
Không nói điều khen mình
Không nói điều đua ganh
Không nói điều giả dối
 
Vô số điều phải nói
Tạo nên công đức lành
Nên cẩn thận thông minh
Khi cất lời mở miệng.
 
Thứ tư là Chánh Nghiệp
Là vô số việc làm
Rất cụ thể lợi tha
Yêu thương và giúp đỡ
 
Không làm điều ác độc
Gây đau khổ chúng sinh
Chỉ làm những việc lành
Cho chúng sinh an lạc
 
Có khi là lui lại
Nhường người tốt tiến lên
Có khi là bước lên
Gánh lấy điều nặng nhọc
 
Có khi là nghiêm khắc
Ngăn kẻ xấu làm sai
Có khi là ra tay
Giúp những ai hành thiện
 
Dù còn trong khốn khó
Vẫn cố gắng không ngừng
Làm từng chút việc lành
Đắp xây nền công đức
 
Rất siêng năng lễ Phật
Sám hối nghiệp nghìn xưa
Việc bất thiện ngăn chừa
Điều thiện lành chất chứa
 
Bồ tát thường gián tiếp
Giúp mà không ai hay
Nên phước giữ tròn đầy
Để chia cho tất cả
 
Biết bao nhiêu việc tốt
Khắp ba cõi sáu đường
Là Chánh nghiệp phi thường
Thành vô biên phước báo.
 
Thứ năm là chánh Mạng
Là nghề nghiệp mưu sinh
Nuôi sống bản thân mình
Qua kiếp người tạm bợ
 
Nhờ phước từ Chánh Nghiệp
Nên người được tự do
Chọn nghề nghiệp sao cho
Phước lành sinh thêm mãi
 
Nghề tốt phải gồm đủ
Hai yếu tố sau đây
Là tạo phước từng ngày
Có thời gian tu tập
 
Riêng tỳ kheo tu sĩ
Chỉ khất thực xin ăn
Chớ suy tính kinh doanh
Mà sai đường xuất thế
 
Nhưng sa môn khất thực
Không luồn cúi thấp hèn
Mà đĩnh đạc uy nghi
Bất cần và thanh thản
 
Đem cuộc đời thanh tịnh
Giáo hóa khắp chúng sinh
Đổi lấy bát cơm lành
Ung dung đường thiên lý.
 
Sáu là Chánh Tinh Tấn
Thực hành cách nhiếp tâm
Trong thiền định thậm thâm
Vô vàn điều gian khó
 
Lúc này tâm chưa nhiếp
Vọng tưởng còn chập chùng
Thân đau mỏi không ngưng
Nhưng không hề thoái chí
 
Có khi là thân quyến
Gây trở ngại đủ điều
Hoặc bệnh tật triền miên
Nạn tai không lường hết
 
Dù còn nhiều chướng ngại
Nhưng hành giả vững lòng
Như núi đá ung dung
Giữa bão giông sấm sét
 
Lòng dặn lòng đã quyết
Dù trăm kiếp ngàn đời
Tinh tấn mãi không thôi
Đi về nơi Vô ngã
 
Ngồi kiết già phu tọa
An trú khắp toàn thân
Cảm giác khắp toàn thân
Thân nghiêm trang bất động
 
Rồi nhẹ nhàng quán chiếu
Thân tạm bợ vô thường
Già bệnh chết thảm thương
Theo bụi xương bay mất
 
Biết thân này đang thở
Thân này đang thở vào
Thân này đang thở ra
Rõ ràng từng chút một
 
Mỗi phút giây cuộc sống
Vẫn an trú toàn thân
Vẫn nhớ thân Vô thường
Đêm ngày không gián đoạn.
 
Bảy là vào Chánh Niệm
Tâm tỉnh giác rỗng rang
Lòng thanh thoát nhẹ nhàng
Nhưng vẫn còn niệm khởi
 
Nhờ vào sức tỉnh giác
Hành giả kiểm soát tâm
Không mờ mịt mê lầm
Chạy theo ngoài thanh sắc
 
Hành giả biết tác ý
Theo Vô ngã Từ bi
Gắng trừ diệt sân si
Tâm càng thêm đạo đức
 
Dù bắt đầu an lạc
Nhưng chỉ mới bắt đầu
Chưa phải đã vào sâu
Trong cõi thiền vi diệu
 
Như đi trên băng mỏng
Hay chông nhọn than hồng
Xin cẩn thận vô cùng
Lúc này đầy nguy hiểm
 
Nếu sai lầm tác ý
Với kiêu mạn ngấm ngầm
Len lỏi trong nội tâm
Ắt có ngày điên loạn
 
Càng thêm Tôn kính Phật
Đến tuyệt đối vô biên
Nguyện thân mạng cúng dường
Lên Mười Phương Tam Bảo
 
Hành giả còn vất vả
Mấy mươi kiếp tái sinh
Lên xuống giữa trời người
Mới hết đường Chánh Niệm
 
Diệt trừ Năm Triền Cái
Nóng giận và Tham lam
Trạo cử với Hôn trầm
Thứ năm là Nghi hối
 
Với thời kỳ mạt pháp
Người tu đến chỗ này
Nhầm tưởng đã đủ đầy
An trú nơi thánh quả
 
Có khi bị ảo giác
Hiện đủ điều lạ kỳ
Khiến kiêu mạn hoang mang
Để rồi vỡ tan hết
 
Có khi được thần trí
Biết nhiều việc lạ thường
Càng tưởng chứng cao siêu
Rồi lạc vào ma đạo
 
Vì vậy càng cố gắng
Lễ Phật lòng khiêm cung
Quán vô ngã hư không
Để đi qua vực thẳm
 
Thứ tám là Chánh Định
Bậc thứ nhất Sơ thiền
Thân an lạc vô biên
Dứt xong điều ái dục
 
Nhưng vẫn còn tầm tứ
Niệm vi tế sâu xa
Về đạo lý bao la
Nên cũng còn chướng ngại
 
Nhị thiền tâm sạch niệm
Thân tỉnh giác tuôn trào
Như mạch nước dâng cao
Không bao giờ vơi cạn
 
Tam thiền trùm pháp giới
Thân đồng cõi hư không
Vật chất cũng là tâm
Khắp đất trời an lạc
 
Tứ thiền là tuyệt đối
Tâm tịch tịnh như như
Cả vũ trụ thái hư
Đã vào nơi bản thể
 
Nếu tiếp theo quán chiếu
Để chứng đạt Tam Minh
Hành giả sẽ trở thành
Thánh nhân A la hán
 
Kính lạy Mười Phương Phật
Đường Bát Chánh cao siêu
Con chẳng thể hiểu nhiều
Nhưng nguyện lòng tu tập
 
Bao chúng sinh lạc lối
Trong tà kiến si mê
Chưa biết chỗ đi về
Dòng luân hồi trôi mãi
 
Cúi xin Mười Phương Phật
Cho Bát Chánh Đạo này
Đến mọi chốn nghìn nơi
Cho chúng sinh tỉnh ngộ
 
Nguyện chúng con dũng cảm
Đem Bát Chánh Đạo này
Nói với cả mọi người
Như món quà cao quý.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
 
TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện hành
 
Bát Chánh Đạo – Phật giới thiệu lần đầu trong Chuyển Pháp Luân/Tứ Diệu Đế. Phật thuyết giảng chi tiết hơn tại Kinh Tương Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Đạo – Nikaya.

(Bản thơ kệ này do Thượng tọa Chân Quang biên soạn)

1 BÌNH LUẬN

  1. “Này các anh em, chân lý thứ tư là con đường dẫn tới diệt khổ. Nó là con đường Bát chánh đạo mà ta vừa giải thích. Bát chánh đạo được nuôi dưỡng bằng cách sống tỉnh thức. Sự tỉnh thức dẫn tới chánh niệm và trí tuệ, sẽ giải thoát các anh em khỏi mọi khổ đau và dẫn đến an vui. Ta sẽ hướng dẫn các anh em trên con đường thực chứng này”

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here