Hướng dẫn thiền ngồi

0
5340

Thiền là một trong những phương pháp rèn luyện tâm ý cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Đã mất từ lâu trong dân gian, Thiền được Đức Phật Gotama tái phát hiện 2500 năm truớc đây. Vipassana có nghĩa là thấy sự việc đúng như thật. Đây là tiến trình tự thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Ta bắt đầu quan sát hơi thở để định tâm. Với ý thức sắc bén, ta tiến tới việc quan sát bản chất thay đổi của thân và tâm, thể nghiệm được chân lý phổ quát về vô thường, khổ, vô ngã. Hiểu rõ chân lý này bằng chứng nghiệm trực tiếp là một tiến trình thanh lọc tâm. Toàn thể con đường tu tập là phương thuốc trị liệu chung cho các vấn đề, không liên quan đến một tổ chức tôn giáo hoặc một tông phái nào. Vì lý do này, Thiền được mọi người thực tập, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không bị chi phối bởi dân tộc, địa phương hay tôn giáo. Và Thiền sẽ chứng minh rằng mọi người ai cũng hưởng được những lợi ích như nhau khi thực hành.

Thiền không phải là nghi lễ, nghi thức tôn giáo dựa trên niềm tin mù quáng. Nó là kinh nghiệm thực tiễn và khoa học đã được đúc kết từ hơn 2500 năm nay. Nó không phải là sự giải trí tri thức hoặc thỏa mãn những vấn đề triết học. Mục đích tối hậu của thiền không phải để thư giãn và trị bệnh, hoặc trốn tránh những khó khăn, khổ đau trong cuộc sống hằng ngày Mà thiền là phương pháp thanh lọc tâm để giúp ta giải quyết sự căng thẳng và khó khăn của cuộc sống một cách bình tĩnh, quân bình . Là phương pháp chuyển hóa đau khổ thành tịnh lạc. Nó là nghệ thuật sống. Sống thiền là một phong cách sống khôn ngoan nhất, hạnh phúc nhất mà Đức Phật cũng như các vị tổ sư đã hướng dẫn chúng ta. Thiền sẽ  làm cho mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống trở nên sâu sắc, ý nghĩa và an lành. Thiền nói cách đơn giản là trở về sống trọn vẹn với giây phút hiện tại, cảm nhận rõ những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta một cách chân thực nhất, như chúng đang là.

Thiền hướng đến mục tiêu tâm linh cao cả nhất là sự giải thoát hoàn toàn và giác ngộ; mục đích của thiền không bao giờ chỉ để chữa bệnh. Tuy nhiên, nhờ quá trình  thanh lọc tâm, nhiều căn bệnh tâm sinh lý cũng được chữa khỏi. Thiền loại trừ được ba nguyên nhân căn bản của mọi khổ đau: ham muốn, ghét bỏ và si mê (tham, sân, si). Với sự thực tập thiền liên tục sẽ giải tỏa được những căng thẳng do cuộc sống hằng ngày gây ra, tháo gỡ những khúc mắc do thói quen cố hữu là phản ứng lại với những hoàn cảnh dễ chịu hay khó chịu một cách thiếu bình tĩnh.

Mặc dù thiền là phương pháp do Đức Phật tìm ra, sự thực hành không chỉ giới hạn cho Phật tử. Tuyệt đối không có sự cải đạo. Mọi người đều gặp những khó khăn giống nhau, và một phương pháp có thể giải quyết những khó khăn này cần được áp dụng chung cho nhân loại. Nhiều người từ nhiều giáo phái khác nhau đã hưởng được những lợi ích nhờ thực hành thiền và thấy không có gì xung khắc với tín ngưỡng của họ.

Chuẩn bị cho giờ tọa thiền

Chúng ta nên chọn cho mình một không gian yên tĩnh, sạch sẽ gọn gàng, thoáng đãng, càng trang nghiêm càng tốt. Nếu gia đình bạn có một phòng thờ thì ta nên lên phòng thờ để ngồi thiền. Mặc dù trên lý thuyết nói rằng chúng ta có thể hành thiền ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng giờ thiền tọa nên có không gian cho nó. Nếu bạn ngồi trong giường ngủ, tâm bạn sẽ giải đãi, làm biếng và dễ buồn ngủ (hôn trầm) và dễ nằm xuống. Cho nên để giờ ngồi thiền có kết quả tốt chúng ta nên chuẩn bị không gian thiền và các dụng cụ hổ trợ như bồ đoàn tọa cụ, khăn choàng (mùa lạnh), mùng thiền (dành cho những nơi có nhiều ruồi muỗi)

Cách chọn tọa cụ và bồ đoàn.

Tọa cụ là tấm thảm, tấm đệm vuông kích thước khoảng 80x80cm để lót phía dưới, mục đích làm cho hai đầu gối cảm thấy thoải mái hơn tiếp xúc trực tiếp với đất cứng. Có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Nếu không có một chiếc tọa cụ thì chúng ta dùng chăn đệm hoặc thảm yoga làm tọa cụ cũng được, tùy theo vật dụng chúng ta có. Tọa cụ không quan trọng bằng bồ đoàn.

Bồ đoàn là chiếc gối ngồi thường có hình tròn, hình chữ nhật hoặc hình bán nguyệt… ta nên có một chiếc bồ đoàn phù hợp với cơ thể mình, kích cỡ này phụ thuộc vào cơ thể bạn cao hay thấp. Ta nên chọn cho mình cái nào mà khi ngồi cảm thấy phần xương cụt được nâng lên và hai đầu gối chấm đất tạo ra một thế vòng kiềng ba chân, đây là tư thế vững vàng nhất. Ta thử lắc qua lắc lại cơ thể và cảm thấy thoải mái là tốt. Nếu hai đầu gối của bạn không thể chấm xuống đất, bạn có thể dùng khăn hoặc những chiếc gối nhỏ kê vào hai đầu gối để chúng vững chãi hơn.

Tư thế ngồi

Chúng ta có thể ngồi ở tư thế bán già (nửa hoa sen) hoặc kiết già (hoa sen), nếu cơ thể chúng ta không cho phép ngồi như thế thì ta có thể ngồi trên ghế.

Lưng thẳng, nhưng không căng, hai vai thư giản, thả lỏng cơ thể. đỉnh đầu cổ và đốt cùng của xương sống thành một đường thẳng. Không ưỡn người ra phía trước, cũng không ngã người ra sau, ngồi như vậy bạn sẽ cảm thấy khó thở, hơi thở nặng, theo dõi vài hơi đã thấy mệt, tức ngực. Khi có những biểu hiện như thế ta chỉ cần di chuyển thân ra phía sau hoặc phía trước một chút thì hơi thở sẽ trở nên tự nhiên, cơ thể thoải mái. Nếu ngồi trên ghế lưng cũng thẳng, vai buông thư, hai chân đặt trên sàn nhà.

Tư thế kiết già là tư thế ngồi thiền lý tưởng nhất. Một thí nghiệm được  thực hiện trong phòng thí nghiệm ở Anh quốc cho thấy khi một người ngồi trong tư thế kiết già, làn sóng não bộ của họ tức khắc chuyển từ nhịp Beta nhanh và không ngừng dao động sang nhịp Alpha trầm lặng và chậm hơn. Nó thể hiện một tâm trạng thoải mái hơn, một tâm trí yên bình hơn.
Trong một thí nghiệm khác, người ta khám phá ra rằng một người ngồi trong tư thế Hoa Sen (kiết già) ít bị kích thích do những khuấy động bên ngoài hơn những người ngồi trong tư thế bình thường, có thể tập trung tư tưởng sâu hơn và trí óc sáng suốt hơn. Các nhà khoa học kết luận rằng tư thế Hoa Sen làm lắng dịu các giác quan vận động và tạo năng lượng trí tuệ.

 

Khởi động thân và thanh lọc cơ thể

Trước khi ngồi yên chúng ta nên làm vài động tác khởi động hổ trợ cho việc ngồi thiền tốt hơn, có năng lượng hơn. Đặc biệt là vào thời thiền tọa buổi sáng sớm, vừa thức dậy cơ thể chưa được khởi động. Bạn vẫn ngồi với tư thế kiết già hay bán già trên bồ đoàn và thực tập những động tác này:

Động tác 1 : tay phải nắm lấy ngón tay cái trái đặt hai tay đang nắm vào nhau ở dưới đan điền, thở vào ta ngửa đầu ra sau, thở ra gập người xuống đầu càng gần mặt đất càng tốt, làm theo khả năng của cơ thể không nên cố gắng quá sức, hai tay ép bụng dưới đẩy tất cả các trược khí tồn đọng trong cơ thể ra bên ngoài. Ta làm như thế 3 lần

Động tác 2: hai tay ôm đầu gối trái, hít vào ngẩng đầu lên, thở ra gập người xuống theo góc 450 đầu cúi xuống đầu gối trái, sau đó hít vào đổi qua bên phải. Làm động tác này ba lần

Động tác 3: Hai tay để trên hai đầu gối, dùng đầu ta vẽ một vòng tròn lớn nhất có thể. Thở vào ta gập người từ bên gối bên trái chuyển động từ từ qua bên phải, thở ra ta ngửa ra sau chuyển động từ phải sang trái. Ta làm như vậy 3 vòng. Thân thể ta tựa như chiếc cối xay

Các động tác này giúp cho các xương hông, các cơ bắp phần thân dưới thư giãn, sẽ giúp ta ngồi an hơn, lâu hơn.

Nhập thiền

Khi đã ngồi đúng tư thế, chúng ta hãy đặt tâm ý ở bụng hoặc ở mũi. Trong kinh An ban thủ ý, Đức Phật dạy chúng ta nên để tâm ý tại chóp mũi hoặc điểm giữa mũi và môi (nhân trung). Tuy nhiên sau này có nhiều vị thiền sư hướng dẫn để tâm ý ở bụng dưới (đan điền). Theo kinh nghiệm thực tập của bản thân, nếu là người mới bắt đầu thực tập thiền tâm ý còn nhiều tán loạn ta nên cột tâm ý vào một điểm ở đan điền, theo dõi sự phồng xệp của bụng. Nói một cách khoa học, khi tâm ý đặt ở bụng dưới thì máu trên não bộ dồn tụ xuống phía dưới cho nên não bộ được thư giãn hơn, do đó dòng suy nghĩ từ từ cũng lắng xuống. Khi cảm thấy yên quá và dễ rơi vào hôn trầm ta có thể để tâm ý ở mũi, đây là nơi ta có thể cảm nhận hơi thở vào ra rõ nhất. Máu sẽ dồn lên phần đầu sẽ làm ta tỉnh táo hơn. Hãy lắng nghe thân tâm của mình và chọn cho ta một điểm để tâm ý phù hợp nhất.

Sau đó ta hãy theo dõi hơi thở vào ra.

Thở vào ta biết là ta đang thở vào

Thở ra ta biết là ta đang thở ra.

Thời gian đầu thiền tập, bạn sẽ gặp chút khó khăn vì tâm ý lăng xăng, nhiều suy nghĩ chen ngang. Nhưng đừng lo lắng, điều đó là chuyện bình thường, bạn chỉ việc mỉm cười rồi quay về theo dõi hơi thở của mình. Dần dần hơi thở của bạn trở nên sâu hơn nhẹ nhàng hơn, có nghĩa sự thực tập hơi thở của bạn có tiến triển tốt, hơi thở có chất lượng hơn. Và các tạp niệm lặng dần cho đến khi vô niệm. Tiếp tục hành thiền tâm bạn sẽ trở nên an tịnh, thảnh thơi, an lạc. Đó là phương pháp thiền đơn giản nhất, có hiệu quả nhất cho người mới bắt đầu cũng như người đã thực tập nhiều năm. Bài tập đầu tiên này nếu thực tập miên mật nó cũng sẽ dẫn bạn đến với tuệ giác tuyệt đối vô thường, vô ngã, niết bàn.

Chúc các bạn thực hành thành công.

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here