Giới thiệu Kinh Pháp Cú

5
6434

” Kinh điển của Phật Giáo thật quả là nhiều, nhưng nếu giả dụ một ngày nào đó tất cả các kinh điển (hơn 30.000 bài) bị thất lạc hay bị thiêu hủy hết đi mà chỉ còn lưu giữ lại được một cuốn Kinh Pháp Cú này thôi thì chúng ta cũng tạm coi như có đủ những gì cần thiết để noi theo giáo lý của đức Phật”.

 Kinh Pháp Cú là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh trong Kinh Tạng Pali. Nhiều học giả coi bộ kinh này như là Thánh Thư của đạo Phật. “Pháp” có nghĩa là đạo lý, chân lý, triết lý. “Cú” là lời nói, câu kệ. “Pháp Cú” là những câu nói về chánh pháp, những lời dạy của đức Phật, nên Kinh Pháp Cú còn được gọi là “Lời vàng Phật dạy”.

Kinh Pháp Cú là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Đức Phật. Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của ngài sắp xếp thành 423 bài kệ, chia ra làm 26 phẩm. Kinh thâu tóm tinh hoa giáo lý của Đức Phật. Ðọc những bài kệ trong kinh này người đọc cảm thấy như chính mình được trực tiếp nghe lời Phật dạy từ hơn 2500 năm trước vọng lại. Mỗi bài kệ có thể xem là chứa đựng một cách súc tích và trung thành nhất những lời dạy, những giáo lý căn bản nguyên thủy của Đức Phật.

Mỗi phẩm trong Kinh Pháp Cú đặt trọng tâm vào một đề tài chính. Mỗi bài kệ trong từng phẩm đều chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú. Nhiều bài đơn giản và dễ hiểu nhưng nhiều bài không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu ngay hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc thêm các tích truyện đi kèm và tra cứu thêm các bản chú giải.

Người đọc nếu sẵn nhiệt tâm hướng về đạo pháp nên nghiền ngẫm và thường xuyên suy niệm về những lời vàng ngọc chứa đựng trong kinh rồi đem ra thực hành, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Chắc chắn người đọc có thể thu hoạch được một niềm vui về tinh thần vượt lên cao hơn tất cả những thứ hạnh phúc khác trên thế gian, sẽ gặt hái được nhiều lợi ích cho chính bản thân mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai.  

Trong Kinh Pháp Cú người đọc sẽ thấy những lời dạy về triết lý và luân lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm hàng tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên có thể áp dụng cho cả hàng xuất gia. Do đó dù ở cương vị nào người đọc cuốn kinh này cũng thu nhập được nhiều lợi ích thanh cao. Hơn nữa những người muốn đi tìm chân lý, dầu theo tín ngưỡng nào chăng nữa, đều có thể thấy hứng thú và bổ ích khi đọc cuốn Kinh Pháp Cú này, vì nói chung kinh điển Phật giáo thường chỉ nêu ra chân lý cho toàn thể nhân loại chứ không mang tính chất giáo điều.

Tại các nước theo Phật giáo Nam Tông các Sa Di phải học thuộc lòng Kinh Pháp Cú này. Riêng tại Việt Nam ta kinh này không được xếp vào danh sách các kinh để tụng niệm hàng ngày nên kinh ít được biết đến.

Vườn thiền xin giới thiệu Pháp Cú Tinh Hoa, do Huyền Không cư sĩ – Nhà thơ Vũ Anh Sương thi hóa tư tưởng Kinh Pháp Cú, gồm đủ 26 phẩm với 423 bài kệ, trình bày ở thể thơ 4 chữ với một cách diễn đạt rất gần gũi súc tích, nhưng vẫn bám sát và trung thành với ý của nguyên tác. Đây là hình thức trình bày dễ nhớ, dễ tụng, dễ thuộc. Mong rằng tác phẩm này sẽ góp được một phần nhỏ bé và khiêm tốn trong việc truyền bá Phật pháp.

Xem [..]Kinh Pháp Cú[..]

Đôi điều về tác giả

* Tên: Vũ Anh Sương
* Pháp danh: Huyền Không cư sĩ. 
* Quê quán: Tây Ninh. 
* Tác phẩm: Pháp Cú tinh hoa; Pháp Hoa kệ tụng; Kim Cang tinh yếu; Thần Triều (Tịnh độ); Phượng Vũ – Long Tuyền – Mạc Da.. (thơ)

5 BÌNH LUẬN

Trả lời Đại Không Hủy trả lời/ Cancel

Please enter your comment!
Please enter your name here