16 Phép quán niệm hơi thở – Quán Tâm

0
8014

Bài tập thứ chín: Nhận diện tâm

Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta
Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta

Tám hơi thở vừa qua thuộc về lĩnh vực cảm giác. Tới hơi thở thứ chín chúng ta bước sang lĩnh vực của tâm. Trong bài tập đầu chúng ta có nhận diện hơi thở, bài tập thứ ba có nhận diện toàn thân, bài tập thứ tư làm lắng dịu toàn thân. Chúng ta cũng đã học cách nhận diện niềm đau, ôm ấp niềm đau qua hơi thở thứ bảy, và làm lắng dịu niềm đau qua hơi thở thứ tám. Sang bài tập thứ chín phương pháp cũng giống như vậy. Lúc đầu là thân, sau đó tới thọ và bây giờ sang lĩnh vực tâm. Tâm ở đây tức là tâm hành, trong đạo Bụt có nói tới năm mốt (51) tâm hành (buồn, vui, thương, ghét, tuyệt vọng,v.v..) Tâm ở đây không phải là cái gì trừu tượng nữa mà là cái mình biết rất rõ. Tâm tựa như là một dòng sông trong đó có 51 tâm hành đang tuôn chảy trên dòng sông ấy. Khi vào trường Phật học thì mình phải học thuộc tên của 51 tâm hành đó để khi chúng phát hiện thì mình nhận ra liền và gọi tên chúng: A! Bạn là giận, tôi biết bạn tên là giận. Cũng giống như một sinh viên trường Dược phải thuộc tên của những dược phẩm. Mình cũng phải nhận diện được tâm hành gì đang diễn ra trong mình. Trong năm mốt tâm hành có những loại tâm hành tích cực như: Thảnh thơi, thương yêu, bao dung… Có những loại tâm hành tiêu cực như: giận hờn, ganh tị, thù hận… Trong bài tập thứ chín, nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện và gọi được tên của tâm hành mỗi khi chúng phát khởi. Giống như mình ngồi trên bờ sông tâm hành và quan sát, chỉ nhìn và quan sát vậy thôi chứ mình không bám lấy chúng cũng không xua đuổi chúng dù chúng là tâm hành tích cực hay tâm hành tiêu cực. Nó xấu cũng đừng tìm cách đuổi đi mà nó tốt cũng đừng nắm giữ. Nhận diện tâm đây không còn là một cái gì trừu tượng nữa mà rất là cụ thể. Cảm thọ (cảm giác) cũng là một loại tâm hành nên tâm ở đây còn 50 tâm hành. Niềm vui, nỗi khổ là những cảm thọ. Người tu phải luôn luôn có mặt nhờ sự thực tập hơi thở có chánh niệm. Phải luôn luôn có mặt để khi nào có một tâm hành biểu hiện thì mình phải kịp thời nhận diện không để cho nó tác yêu, tác quái. Như vậy là mình làm chủ được tâm.

Bài tập thứ mười: Làm cho tâm hoan lạc

Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc
Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc

Mục đích của bài thực tập này là làm cho tâm hoan lạc. Mình rất cần năng lượng để tiếp tục thực tập. Cho nên phải nhận diện tâm và làm cho tâm phấn chấn, tươi vui. Bài thực tập này là sự tiếp nối của bài thực tập thứ năm và thứ sáu nhưng nó đi sâu hơn vào những tâm hành khác. Nó cũng liên hệ tới Tứ Chánh Cần. Trong con người mình có những tâm hành như: tha thứ, bao dung, niềm vui, hạnh phúc, tình thương, chí nguyện độ đời… Tất cả những cái đó rất quý giá. Cho nên chúng ta phải làm như thế nào để những tâm hành đó được phát triển và đi lên. Cũng giống như nhà mình có cái CD nhạc rất hay nhưng mình cứ để bụi bặm bám vào từ năm này qua năm khác mà không đem ra nghe, rất là uổng. Mình vốn có sẵn những tâm hành rất thiện, rất lành được gia đình tổ tiên trao truyền nhưng mình không biết cách xử lý mà cứ để cho những tâm hành buồn giận, lo lắng, sầu khổ trấn ngự. Giống như mình có một cái CD hát những bài nhạc tình sầu đứt ruột nhưng mình cứ nghe đi nghe lại tới nỗi điên cái đầu luôn mà không chịu dừng. Vì vậy vấn đề ở đây là chọn CD. Nếu cái CD nào không thích hợp, không đem lại sự thoải mái cho ta thì ta không nên tiếp tục nghe nó nữa. Nếu cái CD đó không hay thì ta phải thay bằng cái CD mới, cái đó gọi là làm cho tâm mình hoan lạc. Thiếu gì những bản nhạc hay mà cứ phải nhai đi nhai lại những bài hát sầu đời để mặc cho nó kéo tâm mình chìm nghỉm xuống? Một ông thợ mộc thường dùng cái chốt mới để thay thế cho cái chốt cũ đã bị mục. Khi cái chân bàn hay chân ghế bị lung lay ông ta làm một chiếc chốt mới thay vào nơi chiếc chốt cũ, khi ấy chiếc bàn hay chiếc ghế lại trở nên vững chắc. Cái đó gọi là phương pháp thay chốt. Ngày nay nếu cái bàn hay cái ghế bị hư thì thường là người ta mua cái mới chứ không “thay chốt” nữa, vì vậy ngày xưa Bụt gọi là “phương pháp thay chốt”, còn ngày nay chúng ta gọi là “phương pháp thay CD”, hay “phương pháp thay DVD”. Ví dụ khi xem một bộ phim quá tệ mà ta cứ ráng ngồi chịu trận thì thật là dại, tại sao không đi thay bằng một bộ phim khác hay hơn? Cái đó là sự thực tập làm cho tâm hoan lạc. Mỗi chúng ta có bao nhiêu là tâm hành tốt ở trong mình: Vị tha, đại nguyện, đại trí, đại bi, tha thứ, bao dung, niềm vui, tình yêu, hạnh phúc.v.v.. nhưng mình không chịu phát triển nó mà cứ để cho đau khổ, buồn rầu chiếm cứ lấy. Đây chính là nội dung của bài thực tập thứ mười, là người hành giả ta  phải thực tập cho được. Một người tu khôn ngoan là một người biết cách làm hạnh phúc cho chính mình và làm hạnh phúc cho người khác. Đức Thế Tôn đã trao truyền cho chúng ta biết bao nhiêu là phương pháp hay, vấn đề là chúng ta có chịu thực tập hay không mà thôi.

Bài tập thứ mười một và mười hai

Bài tập thứ mười một và mười hai vẫn thuộc về tâm nhưng bốn hơi thở cuối từ hơi thở thứ mười ba cho tới hơi thở thứ mười sáu có liên hệ tới tri giác. Tri giác của mình có thể sai lầm, thấy sợi dây mà tưởng con rắn. Tri giác sai lầm gọi là vọng tưởng. Mình khổ là vì vọng tưởng. Vì vậy mục đích tối hậu của đạo Bụt là đào tận gốc vọng tưởng liệng đi.

Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định
Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định

Tâm của mình có thể bị phân tán và thất niệm, khi ấy ta dùng chánh niệm để đưa tâm trở về và đem tâm vào trong định. Khi tâm được tập trung, được gom lại thì tâm trở nên rất hùng tráng, từ đó có thể làm được những việc rất hữu ích. Cũng giống như ánh sáng, ánh sáng truyền đi bằng đường thẳng nhưng khi ta sử dụng thấu kính thì thấu kính đó giúp tập trung ánh sáng vào một điểm duy nhất. Một khi chùm ánh sáng hội tụ tại một điểm thì nó tạo nên một sức nóng rất lớn có thể đốt cháy một tờ giấy. Tương tự như vậy, những si mê, lầm lạc của mình một khi mình có định thì những si mê lầm lạc ấy bị đốt cháy.

Định có nhiều loại định: Định về không, định vô thường, định vô ngã, định tương tức, vô tướng, vô tác…. biết bao nhiêu là định. Chỉ cần có định thì phiền não sẽ bị đốt cháy. Nhiệm vụ của hơi thở thứ mười một là đưa tâm vào định, đưa tâm vào định thật ra không khó khăn gì mấy, khi định tâm hùng hậu thì nó bắt đầu đốt cháy những phiền não, tháo bỏ những sợi dây trói buộc.

Vô thường là một loại định chứ không phải là một lý thuyết. Ví dụ: Khi mình giận người kia, mình muốn trừng phạt người kia, mình tính nói một câu để người ấy khổ một chút cho vui. Tại vì người kia dám làm cho mình khổ. Hoặc có thể mình đánh người kia một cái để cho người kia khổ, tại vì người kia dám làm cho mình đau khổ. Mình làm như vậy bởi vì trong mình có sự đau khổ giận hờn. Thì bây giờ mình sẽ thực tập một loại định gọi là định vô thường, mình nhắm mắt lại và bắt đầu thực tập:

Thở vào tôi quán chiếu để thấy được sau 300 năm nữa thì tôi sẽ trở thành cái gì?

Thở ra tôi quán chiếu cái người đứng trước mặt tôi sau 300 năm nữa sẽ trở thành cái gì?

Mà định vô thường đâu cần tới 300 năm. Chỉ cần vài chục năm nữa là mình và người kia đã thành tro cả rồi. Thấy thế thì tội gì mà lại đi giận nhau? Mình chỉ có mấy chục năm để chơi với nhau thôi, vậy mà bây giờ hai đứa giận nhau, muốn làm khổ nhau thì đó là chuyện rất là ngu dốt. Và mình chỉ cần cái định đó trong vòng hai giây thôi là cơn giận hờn kia nó tan biến. Khi mở mắt ra mình chỉ muốn ôm người đó vào lòng. Biết em còn sống anh mừng quá đi. Biết con còn sống mẹ mừng quá đi. Biết bố còn sống con mừng quá đi.

trước: 16 Phép quán niệm hơi thở – Quán cảm thọ

sau: 16 Phép quán niệm hơi thở – Quán Pháp

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here