Kinh Vô Ngã Tướng

0
2651

(Anattalakkhana Sutta)

Giới thiệu kinh:

Hai tháng sau ngày thành đạo dưới cội cây bồ đề, Ðức Phật đi về miền nam, đến xứ Ba-la-nại, tìm năm anh em ông Kiều Trần Như. Nơi đây, tại Vườn Lộc Uyển, Ngài giảng Kinh Chuyển Pháp Luân cho năm vị, vốn xưa kia từng sống chung và cùng mình tu tập pháp tu khổ hạnh ép xác. Trong Chuyển Pháp Luân, Ðức Phật đã chỉ rõ con đường Trung Ðạo, trình bày cặn kẽ Bốn chân lý nhiệm mầu (Tứ Diệu Ðế) và con đường Bát chánh đạo giải thoát khỏi cảnh luân hồi, đưa tới thánh quả và chứng đắc Niết Bàn. Sau thời pháp, ông Kiều Trần Như (Kondanna) chứng được quả vị Tu đà hoàn (sơ quả nhập lưu).

Trong bài kinh đầu tiên Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã trình bày Khổ (Tiếng Pali: Dukkha) là đặc tính nền tảng của mọi tồn tại. Dukkha bao gồm tất cả các dạng đau đớn thể chất và tinh thần, buồn khổ, sợ hãi, bất bình và thậm chí cả niềm vui, do bản chất nhất thời của mọi hiện tượng, niềm vui nhất thời cuối cùng rồi cũng tạo ra đau khổ. Tóm lại, năm uẩn là khổ. Khổ đế đã chỉ rõ như vậy. Nguyên nhân của nó là do vô minh chấp ngã, là vì ái, ái là nguồn gốc của mọi ràng buộc và sự ràng buộc là nguyên nhân của mọi đau khổ. Vì ái là nguyên nhân của luân hồi, Phật chỉ ra trong Tập đế và Diệt đế rằng ái dứt thì luân hồi dứt,  ái diệt là Niết Bàn. Niết Bàn là sự vắng mặt của Vô minh. Sau bài giảng này, bốn vị tu sĩ kia là các ông Bà-sa-ba (Vappa), Bạt-đề (Bhaddiya), Ma-ha-nam (Mahanama) và Át-bệ (Assaji) vẫn chưa chứng quả. Ðức Phật liền lưu lại đây và giảng tiếp Kinh Vô ngã tướng, để giúp cho bốn vị tu sĩ còn lại được bước vào dòng Thánh.

Nhằm mục tiêu phá sự chấp ngã cứ tin tưởng sai lầm rằng thân tâm này chính là ta, Ðức Phật giảng Kinh Vô Ngã cho năm vị Tỳ kheo nghe, chỉ rõ cách quán sát như thật rằng thân tâm năm uẩn vốn chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta. Kinh Vô Ngã Tướng bổ túc cho Kinh Chuyển Pháp Luân, vạch rõ đường lối phá bỏ sự cố chấp bám vào thân tâm năm uẩn này, lấy đó là cái ta, cái tự ngã, vốn chẳng có thật và là một tà kiến cần phải quét sạch khỏi tâm thanh tịnh. Sau khi được thuyết bài kinh này, chẳng bao lâu sau đó cả năm vị tỳ kheo đều chứng A-la-hán. Kinh Vô ngã tướng chính là bản kinh thứ nhì trong Tam tạng kinh điển.

Nội dung kinh văn:

1) Một thời Thế tôn ở Bàrànasi (Ba la nại) tại Isipatana (Chư Tiên đoạ xứ), vườn Lộc Uyển.

2) Ở đây, Thế tôn nói với đoàn năm vị Tỳ kheo: “Nầy các Tỳ kheo”. – Thưa vâng, bạch Thế tôn.” Các Tỳ kheo ấy vâng đáp Thế tôn. Thế tôn nói như sau:

3) – Sắc, nầy các Tỳ kheo, là vô ngã. Nầy các Tỳ kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế nầy! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế nầy!”

4) Và nầy các Tỳ kheo, vì sắc là vô ngã, do vậy, sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: “Mong rằng sắc của tôi như thế nầy! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế nầy!”

5) Thọ, nầy các Tỳ kheo, là vô ngã. Nầy các Tỳ kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được thọ như sau: “Mong rằng thọ của tôi như thế nầy! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế nầy!”

6) Và nầy các Tỳ kheo, vì thọ là vô ngã, do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: “Mong rằng thọ của tôi như thế nầy! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế nầy!”

7) Tưởng là vô ngã…

8) Các hành là vô ngã, nầy các Tỳ kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi như thế nầy! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế nầy!”

9) Và nầy các Tỳ kheo, vì các hành là vô ngã, do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi như thế nầy! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế nầy!”

10) Thức là vô ngã, nầy các Tỳ kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được thức như sau: “Mong rằng thức của tôi như thế nầy! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế nầy!”

11) Và nầy các Tỳ kheo, vì thức là vô ngã, do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: “Mong rằng thức của tôi như thế nầy! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế nầy!”

12) Nầy các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?”

– Thưa không, bạch Thế tôn.

13 – 15) – Thọ… Tưởng… Các hành…

16) Thức là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cắi nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?”

– Thưa không, bạch Thế tôn.

17) – Do vậy, nầy các Tỳ kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: “Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải là tự ngã của tôi.”

18) Phàm thọ gì…

19) Phàm tưởng gì…

20) Phàm các hành gì…

21) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: “Cái nầy không phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải là tự ngã của tôi.”

22) Thấy vậy, nầy các Tỳ kheo, bực Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát.” Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nầy nữa.”

23) Thế tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỳ kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế tôn dạy. Trong khi lời dạy nầy được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỳ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

(Ðại Tạng Việt Nam: Tương Ưng Bộ Kinh,Quyển 3, Phẩm Tham Luyến, VII, trang 125 129 – Tạng Pali: Samyutta Nikaya, S,iii, 66)

* * *

Xem thêm:

[..]Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát (Tam Pháp Môn)[..]

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here