CHẾT NÃO VÀ HIẾN TẠNG THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

Hiện nay, trào lưu hiến tạng và hiến xác đang được khuyến khích mạnh mẽ. Hiến tạng hay hiến xác là một nghĩa cử cao đẹp cuối cùng mà chúng ta dành cho cuộc đời. Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rõ và nên thực tập như thế nào để đối diện với giây phút cuối đời với tâm bình an, để có thể tái sinh vào những cõi an lành. Vườn thiền mời các bạn đọc nghiên cứu mới nhất, được lược dịch từ nghiên cứu khoa học " BRAIN DEATH AND TRANSPLANTATION ACCORDING TO BUDDHIST PERSPECTIVE" by Bhikkhuni Chan Vi Nghiem

0
4440

 

Khoa học não bộ ngày càng phát triển, họ công bố những nghiên cứu mới nhất về cái chết gần tương đương với những định nghĩa về cái chết trong đạo Phật. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về tiêu chuẩn xác định cái chết, chết não có phải là cái chết thực sự không? Theo nghiên cứu gần đây của trường đại học Western Ontario ở Canada[1] khi người đã được tuyên bố chết hoàn toàn tim không còn đập, đã trút hơn thở cuối cùng, thì não bộ vẫn còn hoạt động ít nhất là 10 phút tùy theo từng người. Với kết quả nghiên cứu này gần hơn với tiêu chuẩn xác định cái chết của đạo Phật, tức là sự chấm dứt mọi hoạt động của thân thể, rồi đến sự thoát hơi nóng, và cuối cùng là thần thức, khi thần thức thoát ra khỏi cơ thể thì đó mới là cái chết hoàn toàn.  Vậy theo quan điểm Phật giáo chết não có phải là cái chết thực hay không? và việc hiến mô tạng có ảnh hưởng tiêu cực đến người hiến tạng không? Một người hiến tạng nên thực tập như thế nào để việc làm cao đẹp đầy nhân văn này đưa đến sự tái sinh an lành?

I. Định nghĩa về cái chết

Trong y học, Chết là sự Chấm dứt của mọi hoạt động sống như hô hấp trao đổi chất sự phân chia các tế bào đều được chấm dứt vĩnh viễn.

Người ta chia chết ra làm hai loại: chết lâm sàng mà các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết (tim ngừng đập, ngừng thở, mất tri giác, vv.); Chết thật, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy.

  1. Chết não là gì?

Chết não là sự mất mát hoàn toàn chức năng não (bao gồm hoạt động không tự nguyện cần thiết để duy trì cuộc sống) Nó khác với trạng thái sinh dưỡng ổn định, trong đó người đó còn sống và một số chức năng tự trị vẫn còn.

Chết não được sử dụng như là một chỉ tiêu về cái chết hợp pháp ở nhiều vùng, nhưng nó được định nghĩa không nhất quán. Các bộ phận khác nhau của não có thể tiếp tục sống khi những bộ phận khác chết, và thuật ngữ “Chết não” được sử dụng để chỉ các kết hợp khác nhau. Ví dụ, mặc dù một từ điển y học chính] nói rằng “chết não” đồng nghĩa với “cái chết của tiểu não“, hệ thống MeSH của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa cái chết của não bao gồm cả cuống não. Sự phân biệt có thể rất quan trọng bởi vì ví dụ ở người có tiểu não chết nhưng có một cuống não sống, nhịp tim và nhịp thở vẫn tiếp tục hoạt động không cần sự giúp đỡ, trong khi đó cái chết toàn bộ não (bao gồm cả cái chết của cuống não) chỉ có các thiết bị hỗ trợ sự sống giúp cho các chức năng này tiếp tục hoạt động.

Điều rất quan trọng đối với các thành viên trong gia đình và các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cần lưu ý đến các cử động tự nhiên còn được gọi là dấu hiệu Lazarus hoặc phản xạ Lazarus có thể xảy ra ở người chết não, có bộ phận được hỗ trợ hoạt động bởi sự trợ giúp cuộc sống. Các tế bào sống có thể gây ra những chuyển động này không phải là các tế bào sống từ não hoặc cuống não, các tế bào này đến từ tủy sống. Đôi khi các cử động cơ thể có thể gây ra hy vọng sai lầm cho các thành viên trong gia đình.

Một cá thể chết não không có bằng chứng lâm sàng về chức năng não khi khám sức khoẻ. Điều này không bao gồm phản ứng đau và không phản xạ dây thần kinh sọ. Phản xạ bao gồm phản ứng của con ngươi, phản xạ mắt, phản chiếu giác mạc, không phản ứng lại với kiểm tra phản xạ nhiệt và không có phản ứng hệ hô hấp tự phát.

  1. Cái chết trong đạo Phật

Cái chết trong đạo phật là sự chấm dứt hoàn toàn sự hoạt động của cơ thể vật lý (rupa), của yếu tố lửa hay là hơi ấm (thejo dhathu) và  của thức (vinnana), tức là sau khi cơ thể vật lý đã chết, tim ngừng đập, không còn sự hô hấp, thì hơi ấm trên cơ thể cũng mất dần (cần một thời gian để hơi ấm ra khỏi thân xác), và thần thức là yếu tố ra khỏi cơ thể cuối cùng. Đại Kinh Phương Quảng trong Trung Bộ Kinh (M.1.43) Mahavedalla Sutta đức Phật dạy:

“Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào có bao nhiêu pháp được từ bỏ, thì thân này được nằm xuống, quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri?

— Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào ba pháp được từ bỏ: Tuổi thọ, hơi nóng và thức, thì thân này nằm xuống, được quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri” (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Do đó chết não theo quan điểm phật giáo thì chưa phải là cái chết hoàn toàn, nó đang nằm trong tiến trình của cái chết, vẫn còn hơi ấm và thức bên trong cơ thể (tàng thức, theo tâm lý học phương tây gọi là vô thức) vẫn còn hoạt động, nên các máy móc hổ trợ nhịp thở mới phát huy tác dụng. Theo nhận định khoa học một bệnh nhân chết não thì các bộ phận khác của cơ thể vẫn còn hoạt động nhờ vào sự trợ giúp của máy thở, để cung cấp oxy cho cơ thể, cơ thể vẫn còn ấm như người ngủ sâu, máy trợ thở chỉ duy trì bảo quản những cơ quan này giúp cho việc cấy ghép tạng thành công hơn, nếu người chết não hiến tạng.

Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, hành động cao thượng của một vị bồ tát. Bố thí là một trong 10 bala mật của một vị thực hành bồ tát đạo. Người hiến tạng mong muốn được làm một việc thiện cuối cùng, có ý nghĩa cho cuộc đời. Tuy nhiên với tiêu chuẩn chết não của y khoa hiện đại thì người hiến tạng có thể không có một cái chết an lành, họ không nhận được cái chết tự nhiên, trọn vẹn tiến trình chết, bởi họ phải trải qua một cuộc phẩu thuật lớn để lấy các mô tạng còn sống, và chấm dứt hoàn toàn sự chết sau cuộc giải phẩu đó. Đối với những người thực tập buông xả hoàn toàn, thực tập lòng từ bi vị tha, cho dù phải mổ xẻ thân xác, khi thần thức chưa ra khỏi cơ thể, nếu có đau đớn về mặt tinh thần họ vẫn chấp nhận được, thì việc hiến nội tạng sẽ giúp họ buông xả nhanh hơn, ra đi an lành. Bởi vì tâm của họ câu hữu với bốn tâm giải thoát vô lượng: Từ bi hỷ xả. Nhưng với những người bình thường còn chấp ngũ uẩn, còn sợ hãi với cái chết thì chúng ta nên làm thế nào để người chết não hiến tạng ra đi an lành và cũng gieo được thiện nghiệp cho họ.

  1. Nỗi sợ hãi về cái chết

Trừ những người giác ngộ được tuệ giác của Phật, thì hầu hết con người đều có lo lắng và sợ hãi về cái chết, có người biểu hiện ra bên ngoài, có người dấu kín trong tâm trí họ. Có hai loại sợ hãi về cái chết được mô tả đó là: sự sợ hãi lành mạnh và sự sợ hãi không lành mạnh. Sự sợ hãi lành mạnh về cái chết sẽ là động lực để người đó làm mọi việc mà họ có thể đối diện với cái chết một cách tích cực bằng cách hoàn thiện đức hạnh, suy nghĩ và hành xử bao gồm cả việc thực tập chánh niệm và những kỹ thuật thiền khác liên quan đến cái chết. Những nỗi sợ hãi không lành mạnh về cái chết làm tê liệt và người đó không có thể làm bất cứ điều gì với lo lắng sợ hãi của họ. Phải nói rằng con người thật sự sợ hãi tiến trình chết hơn là chính sự chết và không phải hiếm khi nghe mọi người nói rằng họ sợ chết trong đau đớn, họ thích chết trong giấc ngủ không có ý thức hơn.

Một trong những nguyên nhân chính về sợ hãi cái chết là sự bám chấp vào một thân thể vật lý và tâm lý ( cái ngã) mà nó được định nghĩa như là “ Tôi” và sự vướng mắc vào những thứ thuộc về tôi (ngã sở). Điều này xảy ra vì do thiếu trí tuệ về những đặc tính chân thật của hiện tượng, thân và tâm là vô thường, khổ và vô ngã. Một số lo lắng vì phải rời bỏ người hôn phối, con cái, bà con, bạn bè và cả tai sản của họ. Những nguyên nhân khác làm phát triển nỗi sợ hãi về cái chết bao gồm:

1/ Thiếu tuệ giác về bản chất của cái chết

2/ Sợ những hậu quả do những nghiệp bất thiện mà họ đã gây trong đời sống này

3/ Sợ không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi chết

4/ Sợ cô đơn một mình trong cõi chết

5/ Tội lỗi về những sai lầm mà họ đã tạo

6/ Hối hận về những ước nguyện chưa hoàn thành

7/ Hối hận về công việc còn dở dang

8/Sợ thân tâm đau đớn khi chết

9/ Sống trong nền văn hóa chối bỏ sự chết.

Trong kinh Abhaya thuộc Tăng chi bộ kinh, khi vị bà la môn Janussoni thưa với đức Phật rằng theo cái thấy của ông không có ai mà không sợ chết, đức Phật đã nói rằng: có những người sợ chết và có những người không sợ chết.

Có 4 hạng người sợ hãi về cái chết là:

1/ Người đó không xả bỏ mọi cảm thọ ham muốn, không xả bỏ mọi luyến ái…

2/ Người đó không xả bỏ thân, luyến ái thân mạng

3/ Người đó không làm việc thiện lành, đã làm nhiều điều ác, hung bạo, phạm pháp…

4/ Người đó còn nghi ngờ chánh pháp.

Có 4 hạng người không sợ hãi cái chết:

1/ Người đó đã xả bỏ mọi tham dục, mọi luyến ái

2/ Người đó không tham luyến thân mạng

3/ Người đó đã hành thiện nghiệp

4/ Người đó không nghi ngờ hoang mang về chánh pháp.

III. Thực tập đối diện với cái chết.

Từ khi chúng ta sinh ra, cái chết luôn tiềm ẩn bên trong ta,  không ai có thể đoán trước được ta chết khi nào ở đâu và chết như thế nào. Chúng ta chết bởi những nguyên do như: bệnh, già, tai nạn, nạn nước, lửa, chiến tranh… không có một nơi trú ẩn nào để bảo vệ ta khỏi cái chết.

Như đã thảo luận ở trên , Đức phật dạy con người chúng ta được tạo từ năm uẩn, 1 sắc uẩn (thân vật lý)  và 4 uẩn thuộc danh (tâm lý). Thực tế, con người sinh ra chết đi và tái sinh trên một nên tảng tương tục từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ lúc sinh đến lúc chết . Thật sự chúng ta đang chết đi và tái sinh trong mỗi giây phút trong đời sống hàng ngày, nhưng chúng ta không ý thức về nó và cái chết cuối cùng của thân tâm cũng sẽ không khác, nó dẫn đến một sự tái sinh trong một cảnh giới khác.

Sự thực tập chánh niệm sẽ giúp hành giả giảm bớt sự bám chấp vào thân thể vật lý, và cũng nhận ra sự vô thường trong cuộc đời. Chánh niệm có thể trải nghiệm một cách khách quan không phán xét mọi việc đang biểu hiện từ sát na này sang sát na khác ngay trong hiện tại. Trong kinh 4 lĩnh vực quán niệm “ Satipatthana Sutta” trong trung bộ kinh đức Phật đã dạy:

  1. Quán thân trong thân (Kayanupassana)
  2. Quán cảm thọ trong cảm thọ (Vedananupassana)
  3. Quán tâm thức (Cittanupassana)
  4. Quán các đối tượng tâm thức hoặc quán pháp (Dhammanupassana)

Hai phương pháp thực tập chánh niệm sau đây trong 6 kỹ thuật mà đức Phật đã dạy quán chiếu về thân thể để giảm bớt sự bám chấp thân và cũng để phát triển một thái độ thực tế đối với cái chết:

  1. Quán 32 thể trược ( Patikulamanasika)
  2. Cửu tưởng quán (Navasivathika)

Trong Quán 32 thể trược, thiền giả phản chiếu  từng bộ phận riêng biệt đầy sự bất tịnh, ghê gớm, dùng chánh niệm quét từng bộ phận từ đỉnh đầu tóc, đến các ngon chân. 32 bộ phận được mô tả: , tóc, móng tay, răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột già, ruột non, thức ăn chưa tiêu, phân, não, mật, đờm, máu, mủ, mồ hôi, chất béo, nước mắt, dầu da, nước bọt, dịch nhầy mũi, chất lỏng ở các khớp và nước tiểu.

Khi quán thấy  thân thể ta bất tịnh ta không còn bám chấp vào nó, dễ dàng buông bỏ xa lìa.

Trong cửu tưởng quán, hành giả quán chiếu 9 giai đoạn phân hủy của một thi thể, quán sát thân thể chính mình cũng sẽ phân hủy như thế, chúng ta không thể thoát khỏi quy luật tự nhiên này.

Càng đối diện với sự phân hủy cũng như sự bất tịnh của thân thể chúng ta loại bỏ được sự luyến ái xác thân, tức là ta đã chuyển hóa được một trong nhiều nguyên nhân sợ hãi cái chết.

Trong kinh Upajjhatthana trong Tăng chi bộ, Đức Phật đã dạy 5 phép quán được mà một hành giả nên thường xuyên quán chiếu:

  1. Tôi thế nào cũng phải già, không thể thoát khỏi cái già
  2. Tôi thế nào cũng phải bệnh, không thể thoát khỏi bệnh
  3. Tôi thế nào cũng phải chết, không thể thoát khỏi cái chết
  4. Tất cả pháp khả ái, khả ý rồi sẽ đổi khác, sẽ phải biến diệt
  5. Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.(Các pháp cần quán tưởng, Tăng chi bộ kinh, chương 5. Mục 57)

Do quán chiếu thường xuyên như thế vị ấy tinh tấn, chuyên cần, tỉnh thức, làm cho niệm định tuệ sung mãn đoạn tận các kiết sử, thảnh thơi trong cõi tử sinh.

  1. Kết luận

Tóm lại, từ quan điểm của Phật giáo,  chết não không phải là một cái chết thực sự, nó chỉ ở trong một giai đoạn nhỏ của một quá trình chết. Chỉ khi ý thức tinh tế rời khỏi thân thể thì quá trình chết mới hoàn tất.

Phật giáo là một tôn giáo từ bi vô ngã, khuyến khích những người thực hành sự bố thí ba la mật (dana). Vì vậy, hiến tạng là một hành động cao thượng, nó nên được khuyến khích. Tuy nhiên, để đảm bảo đạo đức, cũng như cái chết an lành cho người hiến tặng, người đó nên hoàn toàn trải nghiệm quá trình chết. Sau đó bác sĩ có thể phẫu thuật để thu thập nội tạng. Nếu người hiến tạng có từ tâm muốn tặng “một món quà của cuộc sống”, người đó sẽ đồng ý chấp nhận phẫu thuật khi chết não, tùy thuộc vào quyết định của gia đình bệnh nhân. Vì vậy, khi một người đã đăng ký hiến tặng nội tạng, thẻ hiến tạng như một lời nhắc nhở về sự vô thường. Chúng ta cần phải thức tỉnh và thực hành mặt đối mặt với cái chết mỗi ngày để chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng của đời người.

 

 

 

  1. Andrew Griffin, Brain activity appears to continue after people are dead, according to new study http://www.independent.co.uk/news/science/what-happens-die-brain-activity-life-heart-beating-death-after-eeg-study-research-a7620131.html

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here