CÁC CON LÀ GIA TÀI CỦA THẦY

0
2913

 

Chiều nay đem cơm cho Thầy về lòng con lại bồi hồi xúc động, cứ nhớ mãi những câu chuyện Thầy kể, những lời Thầy nói như gởi gắm lại tất cả tâm tư tình cảm Thầy dành cho các con. Thầy luôn nhắc con rằng: “Thầy có trong con, chỉ cần lúc nào con muốn thì sẽ tiếp xúc với Thầy ngay”. Thầy ơi!dù con biết rằng Thầy luôn có trong con nhưng con vẫn chấp nhận sự khờ dại thiếu tuệ giác của mình mà chấp vào một vị Thầy bằng xương bằng thịt để thương để quý. Phải chăng Thầy muốn con sẽ không quá khổ đau, hệ lụy khi không có Thầy bên cạnh?

Lúc dùng cơm Thầy đi hâm canh kim chi cho nóng để đãi chúng con, Thầy biết con rất thích món đó nên nhường hết cho các con, không để lại một chén nhỏ nào cho Thầy cả, con ăn canh kim chi mà trân quý vô cùng, Thầy còn để ý xem con có đủ cơm không để sớt cho con thêm một muỗng nữa. Không ngờ những gì các con thích Thầy đều để ý, nếu có dịp sẽ làm cho các con vui hạnh phúc. Thầy thương chúng con quá Thầy ơi.

            Lúc đó sư em Trăng Mai Thôn kể cho thầy nghe là sư cô Trung Châu chia sẻ trong ngày xuất sĩ, khi sư ông đi ra để dắt đại chúng đi thiền hành sư cô nhìn thấy ánh mắt của Thầy nhìn các con tràn đầy sự thương yêu.Sư cô nói « Sư Ông thương quý thầy quý sư cô lắm đó ». Thầy im lặng một chút rồi nói: « Các con là gia tài của thầy sao thầy không cưng không quý cho được ». Nghe Thầy nói như vậy lòng con sung sướng muốn trào nước mắt. Con biết Thầy thương chúng con nhiều lắm. Nhiều khi Thầy cầm tay thấy bàn tay con lạnh ngắt, thầy xót xa: tay con lạnh quá, để Thầy truyền hơi ấm cho con. Cách Thầy xót xa đau lòng khi các con bị lạnh hoặc vấp ngã, thể hiện tình thương Thầy dành cho chúng con quá lớn như một người cha, người mẹ thương con, muốn dang cánh tay ra che chỡ bảo bọc dù các con đã khôn lớn, có đứa thì mười mấy tuổi nhưng cũng có người đã bốn năm sáu chục tuổi. Có lẽ trong mắt Thầy: « con chưa bao giờ khôn lớn, kể gì mười năm hai mươi năm ». Cho nên con cố gắng thực tập bảo hộ chăm sóc mình,để Thầy bớt lo lắng cho con.

Buổi cơm tối trước Thầy kể chuyện về năm anh chị tác viên xã hội bị bắn chết ở sông Sài Gòn và chị Nhất Chi Mai tự thiêu để kêu gọi hòa bình.Khi nghe tin ấy lòng Thầy đau như cắt, đứt từng khúc ruột. Thầy bịnh đến mười hôm, một khốiu buồn đè nặng trong tâm hồn, bởi Thầy thương các anh chị quá, họ như những đứa con do chính mình sinh ra, các anh chị đã theo mình tu học và phụng sự xã hội mà phải hy sinh như vậy. Mãi đến khi Thầy quán chiếu và ngồi viết xuống tác phẩm « Nẻo Về Tiếp Nối Đường Đi » thì mới giải tỏa được phần nào nỗi đau đó.Khi nói điều đó Thầy nhìn con và con cảm nhận Thầy cũng thương con như vậy, nếu con lỡ có chuyện gì không hay xảy ra thì Thầy cũng đau xót vô cùng.

            Điều làm con suy tư nhiều khi nghe Thầy dạy: “Các con sau này nếu thấy cái gì đẹp hãy ngắm cho Thầy, các con mà lo lắng bận rộn quá không có thời gian để ngắm trăng sao thì các con bất hiếu với thầy lắm đó.”Con nghe đến đó mà nghẹn ngào giống như Thầy dặn dò,phó chúc lại tất cả cho các con của Thầy, trong lòng dâng lên một nỗi sợ hãi một ngày nào đó Thầy sẽ ẩn tàng. Đối với con ngày đó sẽ là ngày con mất cả bầu trời. Con không sợ Thầy chê con tu dở, còn nhiều mê chấp nên mới không tiếp xúc được Thầy trong những cành cây ngọn cỏ, bầu trời, mây nước trăng sao. Cái dở ấy, cái mê ấy cũng đáng giá lắm, đáng quý lắm phải không Thầy bởi nó giúp con biết trân quý và hưởng thụ tình thầy trò thêm sâu sắc, nó cũng giúp cho con thấy giá trị của những phút giây bên Thầy. Thầy ơi, con nhớ trong đường xưa mây trắng Thái tử Sidhatta có nói: những người thương nhau thì phải ở với nhau. Tuy con thương Thầy lắm nhưng con không được ở gần Thầy nữa, con phải  xa Thầy để mang ước nguyện của Thầy đi về tương lai. Dầu rằng nơi ấy với con còn nhiều khó khăn nhưng con vẫn phải đi và đối diện với nó. Con sẽ đi bằng đôi chân của Thầy, ngắm cảnh bốn mùa bằng con mắt từ bi của Thầy, và thở những hơi thở chánh niệm, Thầy sẽ được biểu hiện trong hình hài của con. Tuy xa cách về không gian nhưng thầy trò mình không bao giờ ngăn cách.

Thầy kể rằng ngày xưa khi Thầy còn trẻ, thầy giảng dạy cho tăng ni sinh, lúc đó Thầy đã dạy cho quý thầy quý sư cô hát những bài hát của gia đình phật tử. Tiếng hát vang lên trong khu giảng đường làm Thầy hiệu trưởng (tức Hòa thượng Thích Đôn Hậu) đi ngang qua lớp nhìn vào, nhưng Ngài không nói gì cả.

Ngày xưa quý thầy quý sư cô không được hát hò, nhưng Thầy rất tiến bộ, tư tưởng cách mạng hiện đại hóa Phật giáo trong Thầy đã hình thành từ khá sớm cách đây khoảng 60 năm về trước.Thầy đã đưa đạo Bụt bước lên một bước mới, phát triển tinh thần đạo Bụt Nhập Thế của truyền thống Phật Giáo Việt Nam trở thành Đạo Bụt Ứng Dụng. Đến bây giờ người ta mới chấp nhận được một phần nào tư tưởng và sự thực tập của pháp môn Làng Mai. Nếu đạo Bụt không đi kịp thời đại không gần gũi thực tế thì đạo Bụt sẽ không còn tồn tại và phát triển đến hôm nay. Theo dòng lịch sử thì đạo Bụt đã trải qua ba giai đoạn: đạo Bụt Nguyên Thủy, đạo Bụt Hệ Phái, đạo Bụt Phát Triển, đến những năm 50 của thế kỷ 20 Thầy đã phát triển thêm làm lớn mạnh và giàu có cho nền Phật giáo nên giai đoạn thứ tư hình thành là đạo Bụt Ứng Dụng. Thầy là người chắt lọc tinh túy của Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển để tìm ra những phương pháp thực tập ứng dụng trong đời sống hàng ngày giúp mọi người thấy được rằng đạo Phật không phải chỉ là lý thuyếtsuông mà nó giúp tháo gỡ khó khăn, nuôi dưỡng hạnh phúc giữa đời thường. Trên con đường dài hơn 60 năm để khơi lại một đạo Bụt Nguyên Chất thì Thầy phải trải qua bao nhiêu điều thị phi, nhiều chỉ trích lên án nặng nề. Nhiều khi con nghĩ thời gian đó Thầy cũng cô đơn lạc lõng giữa muôn người. May mắn thay Thầy cũng tìm được những người tri kỷ, để chia sẻ nỗi niềm hoài bảo. Mà cũng thật đáng thương thay những bậc vĩ nhân ấy đều là người nước ngoài, vì cái thấy của Thầy quá lớn, quá sâu rộng không còn nằm trong phạm vi một quốc gia, mà nó mang tính đại đồng nên cần những tâm hồn lớn mới sẻ chia được, họ phải vượt qua những giáo điều, sự khác biệt tôn giáo, văn hóa, vượt lên trên những định kiến của xã hội mới có thể chấp nhận được những cái thấy mới mẻ của Thầy.Những cái thấy, kiến giải của Thầy đã đóng góp rất lớn làm thay đổi những lối mòn tư duy sai lệch về đạo Phật. Con tự hỏi liệu Thầy có cô đơn trong thời gian đókhông? Con tự trả lời làThầy đã hạnh phúc trong cô đơn, Thầy cô đơn nhưng không cô độc. Trên đỉnh cô liêu ấy là một bầu trời bát ngát mênh mông rộng lớn, và từ đó Thầy phóng được tầm nhìn thoáng đãng rộng rãi không phân biệt kỳ thị.Chính vì thế mà Thầy đã đứng yên trên sóng gió bão tố. Có hôm Thầy bảo: “là đệ tử thầy thì các con phải chấp nhận những lời phản bác những lời chỉ trích, bởi những điều thầy nói ra bây giờ sẽ gây sốc cho nhiều người. Nhưng mình phải dùng con mắt khoa học, con mắt đại thừa mà soi rọi vào nguồn gốc nguyên thủy mình sẽ tìm ra những cái thấy chưa đủ chín của các bộ luận, hoặc những điều mà các vị tổ sư vay mượn từ các truyền thống khác.”

Thầy là người mở đường là người bứt phá thì phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu nhiều tai tiếng. Con rất khâm phục bản lĩnh của Thầy dám nói lên cái thấy của mình và dám thực hiện những gì mình thấy cần thiết, vì điều đó sẽ đem lại lợi lạc cho nhiều người. Thầy nói: Thầy phải làm điều đó cho các con, nếu Thầy không làm không chỉ dạy cho các con thì sau này ai làm cho các con đây? Con rất cảm động, Thầy biết rằng muốn đưa đạo Bụt tiến lên tầm cao mới thì phải chấp nhận nhiều phản ứng trong thời gian đầu, nhưng Thầy đủ khả năng để ôm ấp và chuyển hóa những điều nhìn nhận không mấy tích cực. Thầy là người đặt nền móng để cho các con Thầy tiếp nối và phát triển mà không có quá nhiều chướng duyên trở ngại như Thầy. Có hôm Thầy nói con phải dạn dĩ lên, phải làm giống Thầy. Con nhìn Thầy và nói: Con còn sợ, Thầy cho con cái mạnh mẽ, bản lĩnh đó Thầy nhé. Thầy gật đầu và cười. Con thích nhìn Thầy cười nheo mắt lại, rất là tươi trẻ. Chỉ cần cái gật đầu đó thôi thì con biết rằng Thầy đã cho con rồi, Thầy luôn đứng đằng sau để yểm trợ cho con để con không sợ hãi khi làm việc gì. Đúng là làm con của Thầy, muốn trở thành sự tiếp nối xứng đáng thì con phải có bản lĩnh của Thầy.

            Có hôm thầy trò ngồi nói chuyện với nhau về cuốn Đường Xưa Mây Trắng. Thầy nói: Ngày xưa người ta cứ thần thánh hóa đức Phật, cho Ngài là từ trên trời giáng sinh và Ngài được sinh ra từ nách của hoàng hậu Maya. Điều đó tước mất quyền làm người của Bụt. Tội nghiệp cho Bụt, các con của Ngài thương Ngài quá mà hóa ra hại Ngài. Nếu Ngài không phải là con người thì giáo pháp của ngài không thể áp dụng cho con người được, chỉ có những vị thánh mới có thể thành phật được, còn con người thì không thể. Vì vậy nên quyển Đường Xưa Mây Trắng là văn bản đầu tiên đòi nhân quyền cho Bụt. Thật là le phải không con. Rồi thầy trò cùng cười. Con rất thích điều này, rất hiện đại, rất thực tế, và “nó rất là Thầy”.

Thầy ơi, có phải do con quá thương kính Thầy nên chuyện gì Thầy nói con đều để tâm nhớ nghĩ, con đều trân quý, và tự hứa sẽ cố gắng thực tập một cách tốt nhất mà mình có thể. Ngay những lúc ăn cơm trò chuyện đó, con đều cảm thấy được Thầy trao truyền cho con cái nhìn chánh kiến, kinh nghiệm bao nhiêu năm nghiên cứu tu tập mà Thầy đã tích lũy được. Cái đó khó tìm kiếm được trong sách vở. Con đang sống trên một kho báu vô giá, con thấy mình thật giàu có. Bởi vì chúng con có Thầy.

BÌNH LUẬN/ COMMENT

Please enter your comment!
Please enter your name here